Vì sao Nga bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ?

Từng nắm giữ một lượng đáng kể trái phiếu kho bạc Mỹ, Nga gần đây liên tục bán mạnh tài sản này...

Vì sao Nga bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) va Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty/CNBC.

Từng nắm giữ một lượng đáng kể trái phiếu kho bạc Mỹ, Nga gần đây liên tục bán mạnh tài sản này - hãng tin CNBC cho hay.

Theo dữ liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố vào trung tuần tháng 7, chỉ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, mức nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Nga đã giảm còn 14,9 tỷ USD từ mức 96,1 tỷ USD.

Một số blogger tài chính cho rằng việc Nga bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ là có thể là một "điềm xấu" đối với thị trường nợ Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại cho rằng những giao dịch này có thể liên quan nhiều hơn đến nền kinh tế bị phương Tây trừng phạt của Nga, hoặc do Chính phủ Nga đang điều chỉnh danh mục đầu tư.

Mức nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Nga được xem là "khiêm tốn" nếu so với mức nắm giữ của Trung Quốc và Nhật Bản - hai quốc gia đang nắm hơn 1 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ mỗi nước.

Trên thực tế, trái phiếu kho bạc Mỹ trong tay Trung Quốc được một số nhà quan sát xem như một "lựa chọn hạt nhân" trong cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ. Nếu Bắc Kinh bán mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ để trả đũa hàng rào thuế quan mà Washington dựng lên đối với hàng Trung Quốc, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tăng mạnh, đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ phải trả lãi cao hơn khi phát hành nợ.

Trái phiếu kho bạc Mỹ bị Nga bán mạnh trong bối cảnh dư luận Mỹ bất bình vì cho rằng Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nghi vấn này đã dẫn tới việc Mỹ siết trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đợt Nga bán tháo trái phiếu Mỹ vào tháng 5 diễn ra cùng thời điểm khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 3%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011.

Đến nay, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã "giảm nhiệt", về dưới ngưỡng 3% và giữ tương đối ổn định. Tuy nhiên biến động lợi suất này đã có ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty tài chính khác, từ lãi suất cho vay thế chấp nhà đến lãi suất vay mua xe hơi - vốn là những loại lãi suất lên xuống theo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.

Những chuyên gia về trái phiếu như Kevin Giddis của công ty Raymond James nói rằng vào tháng 5, nguồn cung trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài có sự gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung gia tăng này đến từ các cuộc phát hành trái phiếu quy mô lớn của Chính phủ Mỹ để bù đắp thâm hụt ngân sách do cắt giảm thuế và tăng chi tiêu, thay vì do Nga bán ra.

"Việc Nga bán mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ gây tò mò, nhưng khối lượng mà họ nắm giữ, cùng với số lượng mà họ bán ra không phải là lớn đối với thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá hàng nghìn tỷ USD", ông Giddis nói.

"Tôi cho rằng, một phần nguyên nhân khiến Nga bán ra trái phiếu Mỹ là do kinh tế Nga bị trừng phạt, mặt khác do họ điều chỉnh danh mục đầu tư, và không có nhiều tác động đến thị trường. Nếu là Trung Quốc hay Nhật bán ra, thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác".

Tính đến ngày 26/7, các chủ nợ lớn là các chính phủ nước ngoài nắm giữ 6,21 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, còn các nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân nắm 21,3 nghìn tỷ USD tài sản này.

Hồi tháng 4, Mỹ áp lệnh trừng phạt lên nhiều doanh nhân, doanh nghiệp và quan chức chính phủ của Nga nhằm đáp trả điều mà Washington cho là Moscow can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Trong số những nhân vật bị trừng phạt có tỷ phú ngành nhôm Oleg Deripaska và nghị sỹ Suleiman Kerimov.

Theo VnEconomy

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.