Xát muối vào nỗi đau của Mỹ
Tuyên bố trên được vị cựu Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga – đưa ra hôm 10/10 khi tham dự Hội nghị kỷ niệm lần thứ 10 Diễn đàn Quốc tế Luxembourg về Ngăn chặn Thảm hoạ Hạt nhân tại Paris.
Tướng Yesin phát biểu: "Trong khoảng thời gian từ năm 2018-2020, Triều Tiên đủ năng lực để tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Và cần khoảng 4-5 năm nữa để những tên lửa tầm xa của nước này đủ mạnh để tấn công tới lục địa Mỹ".
Không chỉ có tên lửa tầm xa, vị tướng Nga còn khẳng định, Triều Tiên có đủ khả năng để tạo ra tên lửa có nhiều tầm bắn khác nhau dùng cho từng nhiệm vụ tấn công cụ thể.
Kho tên lửa tầm xa của Triều Tiên |
Ông Yesin còn khiến những quốc gia được coi là đối thủ của Triều Tiên phải đau đầu khi khẳng định hiện trong kho hạt nhân của Bình Nhưỡng có khoảng 20-30 quả bom hạt nhân mang đầu đạn implosive, và mỗi năm họ có thể sản xuất tối đa 10 vũ khí hạt nhân".
Hiện Mỹ đặc biệt lo ngại về những tiến bộ trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hủy diệt và Nga không ngừng xát muối vào nỗi lo của Mỹ bằng những tuyên bố của mình.
Thông tấn RIA của Nga cũng vừa dẫn lời ông Anton Morozov, một Nghị sĩ Nga vừa trở về từ chuyến thăm Bình Nhưỡng cho biết, Triều Tiên đang chuẩn bị thử tên lửa tầm xa có thể phóng tới bờ biển phía Tây nước Mỹ.
Vị nghị sĩ này cho biết: "Triều Tiên đang chuẩn bị cho các vụ thử tên lửa tầm xa mới. Thậm chí, họ cho chúng tôi xem các tính toán về toán học cho thấy, tên lửa tầm xa của Triều Tiên hoàn toàn có thể vươn tới bờ biển phía Tây nước Mỹ. Theo những gì chúng tôi biết, họ dự định phóng một tên lửa tầm xa trong tương lai gần".
Ngay sau phát biểu của vị nghị sĩ này, giá trái phiếu Mỹ tăng cao vì các nhà đầu tư lo ngại về khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa mới nên vội vàng chuyển tài sản vào thị trường được coi là thiên đường trong thời kỳ bất ổn.
Trước đó, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin còn tiết lộ một thông tin gây sốc là ngay từ năm 2001, nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là cố Chủ tịch Kim Jong-il nói cho ông biết về việc Bình Nhưỡng đã sở hữu bom nguyên tử.
Tổng thống Nga cho biết, trên đường tới Nhật Bản vào năm 2001, ông đã gặp Kim Jong-il và nghe ông ấy nói rằng, Bình Nhưỡng đã hoàn toàn làm chủ một cách thành thục công nghệ sản xuất bom nguyên tử.
Ông Putin tiết lộ: "Năm 2001, trên đường đến Nhật Bản, tôi đã ở Triều Tiên và gặp thân phụ của nhà lãnh đạo hiện nay. Khi ấy ông Kim nói với tôi rằng, nước ông có bom nguyên tử. Hơn nữa, ông còn nói rằng, với sự hỗ trợ của hệ thống pháo đơn giản có thể đưa bom đến Seoul dễ dàng".
Bơm máu cho Triều Tiên?
Không chỉ đề cao năng lực hạt nhân của Triều Tiên, Nga đang bị cáo buộc là nguồn cấp “máu” chính cho nền kinh tế nước này sống khỏe hơn. Trung bình mỗi năm Bình Nhưỡng nhập khẩu từ Nga khoảng 200.000-300.000 tấn nhiên liệu diesel và các sản phẩm dầu khí khác.
Trong một cuộc phỏng vấn, một cựu quan chức của “Văn phòng 39” - đơn vị của Triều Tiên đảm trách việc điều phối cung cấp nhiên liệu - đã cho hãng Kyodo biết rằng, Nga đang đảm trách phần việc cung cấp toàn bộ nhiêu liệu cho nền kinh tế Triều Tiên.
Cựu quan chức này là ông Lee Jeong Ho, 59 tuổi. Ông này nói rằng, sở dĩ khối lượng giao dịch dầu với Nga tăng dần lên là do lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un đã phản đối Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hàn Quốc trong tháng 7/2014 mà không tới thăm Triều Tiên, nên đã ra lệnh tăng khối lượng thương mại với Nga và các nước Đông Nam Á.
Thông thường, dầu của Trung Quốc được xử lý thành xăng hoặc diesel phục vụ cho nhu cầu của quân đội Triều Tiên, còn dầu của Nga sử dụng cho các nhu cầu khác nhau như xe hơi, tàu, xe lửa và các ngành công nghiệp.
Do đó, trên thực tế là nền kinh tế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hoàn toàn phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực cung cấp nhiên liệu. Chính vì vậy, hai bên đang có quan hệ lợi ích chiến lược về kinh tế. Điều này cũng được thể hiện ở những dự án hợp tác kinh tế liên Triều.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu