Việc áp giá đền bù cho ông Lê Doãn Huy ở dự án đường Sơn Long - chợ Bộng là đúng quy định

(Baohatinh.vn) - Ông Lê Doãn Huy ở thôn Cẩm, xã Đức Giang (Vũ Quang - Hà Tĩnh) phản ánh: Trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng để làm đường Sơn Long - chợ Bộng, do một khoảnh vườn của gia đình chưa được làm sổ đỏ nên đã bị ảnh hưởng đến quyền lợi.

Việc áp giá đền bù cho ông Lê Doãn Huy ở dự án đường Sơn Long - chợ Bộng là đúng quy định

Ông Lê Doãn Huy (bên trái) trình bày sự việc với PV Báo Hà Tĩnh

Ông Huy phản ánh: Bố mẹ ông mất để lại khoảnh vườn hương hỏa khoảng 3 sào (1.500 m2), được mua từ trước năm 1976, trước khi mua đã có đường từ Sơn Long đi chợ Bộng chia cắt khu vườn.

Đến năm 2013, khu vườn được chia làm 3 phần đều nhau cho 3 anh em trai ông làm nhà ở và phần đất có nhà đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ); còn phần trước mặt ruộng bị chia cắt bởi con đường thì chưa làm bìa đỏ dù đã đề nghị lên chính quyền địa phương. Toàn bộ phần diện tích 850 m2 chưa có bìa các em đã cho và ủy quyền cho ông làm bìa đỏ, hưởng lợi.

Cũng theo ông Huy, vì chưa có bìa đỏ nên khi thực hiện đền bù 670/850 m2 để làm đường Sơn Long - chợ Bộng, ông chỉ được hưởng mức giá theo đất khai hoang trước 1980 (chỉ được đền bù 39 triệu đồng). Ngoài việc không đồng tình mức đền bù thì ông Huy cũng yêu cầu phải làm rõ vì sao đất của ông không được cấp bìa và phải tăng mức đền bù lên 1,8 lần (theo đất ở).

Việc áp giá đền bù cho ông Lê Doãn Huy ở dự án đường Sơn Long - chợ Bộng là đúng quy định

Theo ông Huy, trước đó, đã nhiều lần đề nghị xã làm thủ tục cấp bìa đỏ cho mảnh đất của ông nhưng xã không thực hiện

Trả lời các vấn đề có liên quan, ông Hoàng Tác Chiến - cán bộ địa chính xã Đức Giang cho biết: “Hiện trạng vườn của ông Huy từ trước tới nay không liền thửa, bị chia cắt bởi đường liên xã. Khi xã thực hiện chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (năm 2013), trên địa bàn xã có rất nhiều thửa thuộc diện như của ông Huy nhưng do điều kiện kinh phí, thời gian nên chỉ tập trung làm cho đất ở. Vì vậy, phần đất này của ông Huy chưa có bìa đỏ”.

“Tuy nhiên, nếu được cấp bìa thì thửa đất này vẫn không thể trở thành đất ở. Theo quy định hiện hành, thì nó chỉ là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Vì hiện trạng trên đất không có nhà ở, công trình, không liền kề với phần đất có nhà ở, chỉ trồng cây hàng năm, một số ít cây lâu năm. Vì bản chất không là đất ở nên chúng tôi không thể hợp thức hóa làm bìa đỏ và xây dựng hồ sơ đền bù đất ở được” - ông Chiến khẳng định.

Được biết, Ban đền bù giải phóng mặt bằng đường Sơn Long - chợ Bộng của huyện Vũ Quang, chính quyền địa phương đã nhiều lần trao đổi, làm việc, tuyên truyền, giải thích cho ông Huy cũng như một số hộ có ảnh hưởng mặt bằng tuyến đường này nhưng tình hình vẫn chưa được giải quyết.

Ông Hồ Xuân Dũng - Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Vũ Quang, phụ trách công tác đền bù giải phóng mặt bằng đường Sơn Long - chợ Bộng cho biết thêm: “Chúng tôi áp giá đền bù giải phóng mặt bằng đối với gia đình ông Huy căn cứ trên hồ sơ địa chính, phân loại đất đai và các quy định của pháp luật tại thời điểm hiện hành nên luôn đảm bảo tính đúng, tính đủ...”.

Việc áp giá đền bù cho ông Lê Doãn Huy ở dự án đường Sơn Long - chợ Bộng là đúng quy định

Một phần nội dung đơn đề nghị giải quyết vụ việc ông Huy gửi Báo Hà Tĩnh

Qua sự việc trên cho thấy, việc chưa xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên có một phần trách nhiệm của UBND xã Đức Giang, nhưng nay phần lớn diện tích của thửa đất này sẽ bị thu hồi làm đường nên việc làm bìa là không cần thiết.

Còn yêu cầu tăng số tiền đền bù lên 1,8 lần so với áp giá lần trước của ông Huy là không có cơ sở, không đúng với những quy định hiện hành nên không thực hiện được.

Tuy nhiên, hiện nay, gia đình ông Huy đang khá khó khăn, bản thân là thương binh nặng, gia đình cũng đã nhiều lần hiến đất mở rộng tuyến đường này. Vì vậy, ngoài việc vận động, giải thích thì chính quyền các cấp và các đơn vị có liên quan cần động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho gia đình ông Huy trong quá trình triển khai dự án đường Sơn Long - chợ Bộng.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.