Việt Nam có nửa triệu quán cà phê

Theo thống kê của Mibrand, Việt Nam hiện có hơn 500.000 quán cà phê, từ những cửa hiệu nhỏ lẻ tại các ngõ phố đến các chuỗi cà phê hiện đại với doanh thu 1,46 tỷ USD.

Việt Nam có đa dạng loại hình cà phê, từ chuỗi lớn cho đến những quán cà phê đường phố. Ảnh: Quỳnh Danh.

Mibrand - công ty nghiên cứu thị trường và chiến lược thương hiệu tại Hà Nội - đánh giá sự đa dạng về loại hình các quán cà phê đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Bên cạnh những quán cà phê truyền thống mang phong cách đường phố, thị trường cũng chứng kiến sự xuất hiện của ngày càng nhiều quán cà phê có thương hiệu độc lập, với thiết kế ấn tượng và đồ uống chất lượng.

Theo báo cáo của Vietdata, thị trường F&B Việt Nam nói chung và thị trường quán cà phê nói riêng đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2023. Đến cuối năm 2023, thị trường ăn uống tại chỗ ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu thị trường quán cà phê ước đạt 1,46 tỷ USD, tăng 13%.

Các chuỗi cà phê lớn cũng nhanh chóng mở rộng quy mô, tạo nên sự thống nhất về không gian, dịch vụ và chất lượng trên toàn hệ thống. Dù vậy, mô hình quán cà phê nhỏ lẻ vẫn giữ vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong các khu dân cư.

Sự đa dạng này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường cà phê Việt Nam trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, song song với sự phát triển, thị trường cà phê Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các đối thủ.

Bên cạnh những chuỗi cà phê lớn như Highlands Coffee, The Coffee House và Starbucks, nhiều chuỗi thương hiệu nhỏ cũng đang nhanh chóng mở rộng quy mô và chiếm lĩnh các khu vực then chốt.

Đồng thời, những thương hiệu nhỏ cũng tham gia cuộc chiến theo hướng đi "concept hóa", làm tăng sự hỗn loạn của cạnh tranh thị trường. Nhìn chung, các thương hiệu cà phê đang cạnh tranh theo hai chiều hướng chính.

Đầu tiên là việc cạnh tranh theo chiều ngang khi các thương hiệu thi nhau mở rộng số lượng và quy mô cửa hàng.

Thị trường chuỗi cà phê hiện tại đang được dẫn dắt bởi 5 thương hiệu, bao gồm Highlands Coffee, Trung Nguyên E-Coffee, The Coffee House, Phúc Long và Katinat.

Đến cuối năm 2023, theo ước tính của Vietdata, thị phần của 5 ông lớn trong ngành đã tăng lên 42%. Trong đó, mức tăng chủ yếu thuộc về Highland Coffee (từ 7,4% lên 11,6%) và Phúc Long Coffee & Tea House (từ 2% lên 4,4%), Starbucks (từ 2,4% lên 3,8%). Và trong năm qua, toàn thị trường có khoảng 143 cửa hàng mới (thuộc chuỗi) được mở.

Những con số thống kê cho thấy các doanh nghiệp đều đang tập trung vào việc chiếm lĩnh thị phần và vị trí hàng đầu trên thị trường. Cuộc cạnh tranh quy mô diễn ra không chỉ trên phương diện quy mô mạng lưới, mà còn về vị trí địa lý, sự thuận tiện và trải nghiệm khách hàng.

Trong khi đó, cạnh tranh theo chiều dọc là việc các quán cà phê nhỏ lẻ cạnh tranh bằng "ý tưởng" quán. Các chủ quán không ngừng sáng tạo và thử nghiệm những phong cách kiến trúc đa dạng, từ cổ điển, retro đến hiện đại, công nghiệp. Điều này tạo nên sự phong phú về mặt hình thức, mang lại các trải nghiệm khác nhau cho khách hàng.

Bên cạnh đó, các chủ quán cũng chú trọng đến việc tạo ra những concept độc đáo, mang tính trải nghiệm cao.

znews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói