Trong khu vực Đông Nam Á, phòng không Việt Nam được đánh giá là lực lượng số 1, không chỉ bằng những kinh nghiệm phong phú thu được trong quá khứ mà hiện nay lực lượng này còn đang được đầu tư hiện đại hóa rất mạnh.
Việt Nam đã đưa vào biên chế các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa như S-300PMU-1, tầm trung/ngắn SPYDER-MR/SR, cùng các loại radar cảnh giới hiện đại có xuất xứ từ Nga, Israel hay châu Âu. Thậm chí còn có nhiều dự báo cho rằng chúng ra sẽ tiếp tục đặt hàng Buk-M2, MR-SAM, hay thậm chí là S-350 Vityaz...
Nhưng thật bất ngờ, theo số liệu được Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI công bố, Việt Nam lại đang mua gom các tổ hợp Pechora-2T đã lạc hậu từ Đông Âu.
Hệ thống tên lửa phòng không Pechora-2T |
Cụ thể trong báo cáo năm 2015, SIPRI công bố Việt Nam và Nga đã ký hợp đồng đặt mua 3 tổ hợp Pechora-2T vào năm 2008, chúng đã được chuyển giao đầy đủ trong 2 năm 2014 - 2015.
Tuy nhiên sang năm 2016, SIPRI đã cập nhật lại báo cáo của mình và cho biết thực chất đó là hợp đồng Việt Nam ký với Cộng hòa Belarus. Cho tới hết năm 2016, số bộ khí tài Pechora-2T được mua gom đã lên tới con số 5.
Các tổ hợp Pechora-2T này được mua về để tiếp tục nâng cấp lên chuẩn Pechora-2TM.
Phái đoàn quân sự nước ngoài tham quan bộ đội Việt Nam thao tác tên lửa phòng không Pechora-2TM. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. |
Hiện tại, mặc dù đã đưa vào trực chiến một vài tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhưng số lượng như vậy vẫn là chưa đủ với một quốc gia trải dài như Việt Nam. Thêm vào đó, nhiều tổ hợp S-75 Dvina (SA-2) cũng đã hết hạn sử dụng, buộc phải có "người kế nhiệm".
Trong các ứng viên, có lẽ giai đoạn trước mắt không ai xứng đáng hơn Pechora-2TM. Vì vậy sau khi nâng cấp số có trong trang bị, Việt Nam lại tiếp tục mua gom từ Đông Âu để bù vào khoảng trống.
Với tầm bắn tối đa 35,4 km; tiêu diệt được mục tiêu trong dải độ cao 20 - 25.000 m; sử dụng 2 kênh điều khiển để bắn hạ 2 đối tượng cùng lúc ở tốc độ bay tối đa 900 m/s với xác suất 92% khi chỉ sử dụng 1 đạn duy nhất; có khả năng kháng nhiễu điện tử cao; thời gian triển khai và thu hồi ngắn; Pechora-2TM được dự báo sẽ không bị lạc hậu trong ít nhất 10 năm tới.
Ngoài ra giá thành một quả đạn tên lửa V-600 của tổ hợp Pechora-2TM rẻ hơn rất nhiều khi so với đạn Python-5, Derby của SPYDER hay 9M317 của Buk.
Do vậy, việc Việt Nam tiếp tục đặt niềm tin vào Pechora-2TM để tiếp tục mua đồ cũ mang về nâng cấp là hoàn toàn hợp lý.