Việt Nam ủng hộ Chính phủ Syria và phe đối lập đàm phán

Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ khẳng định giải pháp duy nhất cho hòa bình tại Syria là giải pháp chính trị do người dân Syria dẫn dắt và làm chủ, phù hợp luật pháp quốc tế.

Việt Nam ủng hộ Chính phủ Syria và phe đối lập đàm phán

Đại sứ Phạm Hải Anh - Phó trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại phiên họp về vấn đề Syria. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 18/9 đã tiến hành phiên họp trực tuyến định kỳ hằng tháng về tình hình chính trị tại Syria.

Tại đây, Việt Nam đã ủng hộ Chính phủ Syria và phe đối lập đàm phán xác định những điểm tương đồng.

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, báo cáo trước Hội đồng Bảo an, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen tập trung thông tin về một trong những trọng tâm chính trong công việc của ông là hỗ trợ tiến trình đàm phán sửa đổi Hiến pháp trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp Syria.

Ông Pedersen cho biết trao đổi trong phiên họp thứ 3 của Ủy ban này vào cuối tháng 8 tại Geneva (Thụy Sỹ) đã có phần đi vào thực chất và cũng đã thấy được khả năng tìm ra một số điểm tương đồng giữa các bên. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn nhiều khác biệt to lớn trên các vấn đề quan trọng tồn tại lâu nay.

Ông Pedersen cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là các bên cần sớm thống nhất chương trình nghị sự nếu muốn kịp họp lại như dự kiến vào đầu tháng 10 tới.

Đặc phái viên khẳng định ông cùng cộng sự sẽ nỗ lực để giúp các bên đạt nhất trí nhằm tiếp tục tiến trình này; nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ủng hộ liên tục của cộng đồng quốc tế, nhất là của Nga và Mỹ, trong tiến trình chính trị ở Syria trên cơ sở Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an.

Ông Pedersen cho rằng tình hình an ninh tại Syria tuy ổn định hơn trước đây, nhưng vẫn còn những diễn biến đáng lo ngại, trong đó có các vụ việc bất ổn về an ninh tại vùng Tây Bắc và một số khu vực khác ở Syria, căng thẳng giữa Nga và Mỹ tại Đông Bắc Syria, các vụ không kích được cho là của Israel vào một số vị trí ở Syria hay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) đang tiếp tục gia tăng hoạt động tại các vùng sa mạc.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, hoan nghênh việc tổ chức đàm phán trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp vào cuối tháng 8 vừa qua; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì đàm phán và đối thoại xây dựng, trong đó cần sớm đạt thống nhất về chương trình nghị sự để tiến hành các phiên họp tiếp theo.

Đại sứ khẳng định giải pháp duy nhất cho hoà bình và ổn định tại Syria là giải pháp chính trị do người dân Syria dẫn dắt và làm chủ, phù hợp với luật pháp quốc tế trên cơ sở bảo đảm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Theo đó, Đại sứ nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì an ninh, ổn định lâu dài để phục vụ đàm phán, tăng cường các nỗ lực ngoại giao hỗ trợ cho tiến trình chính trị và duy trì sự giúp đỡ cho Syria trước những khó khăn, thách thức về kinh tế-xã hội, nhân đạo và phòng chống dịch bệnh hiện nay.

Định kỳ hàng tháng, Hội đồng Bảo an tổ chức các cuộc họp để thảo luận về tình hình Syria, trong đó có các nội dung về tiến trình chính trị, tình hình nhân đạo và vấn đề vũ khí hóa học.

Bất ổn và xung đột tại Syria hiện đã bước sang năm thứ 10, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử với hàng trăm ngàn thương vong, hàng triệu người mất nơi cư trú và tị nạn.

Ủy ban Hiến pháp Syria, được thành lập vào tháng 9/2019, là tiến trình do Liên hợp quốc hỗ trợ, nhằm thúc đẩy việc đàm phán sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở tiến trình chính trị đề ra tại Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an.

Ủy ban Hiến pháp gồm các đại diện đến từ chính quyền Syria, phe đối lập và các tổ chức chính trị-xã hội./.

Theo Hải Vân-Hữu Thanh (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.