Vietcombank khuyến cáo người dùng không cung cấp các thông tin thẻ qua mạng xã hội

Trong thông tin cảnh báo mới nhất của Vietcombank, ngân hàng này khuyến nghị các khách hàng trong mọi trường hợp không cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch ngân hàng, các thông tin thẻ qua trao đổi, giao tiếp trên mạng xã hội.

vietcombank khuyen cao nguoi dung khong cung cap cac thong tin the qua mang xa hoi

Vietcombank cho biết thời gian qua, các ngân hàng vẫn tiếp nhận thêm các trường hợp khách hàng bị lừa đảo dẫn đến mất tiền trong tài khoản với nguyên nhân được xác định do khách hàng để lộ các thông tin ngân hàng (Ảnh minh họa. Nguồn: thongtincongnghe.vn)

Ngày 15/6, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã ra thông báo cảnh báo khách hàng tăng cường bảo mật thông tin để tránh bị lừa đảo dẫn đến mất tiền trong tài khoản.

Trong cảnh báo mới nhất này, Vietcombank cho biết thời gian qua, các ngân hàng vẫn tiếp nhận thêm các trường hợp khách hàng bị lừa đảo dẫn đến mất tiền trong tài khoản với nguyên nhân được xác định do khách hàng để lộ các thông tin ngân hàng như tên truy cập, mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử, thông tin thẻ ngân hàng...

“Để phòng tránh các trường hợp tương tự, một lần nữa, Vietcombank lưu ý khách hàng luôn bảo mật các thông tin liên quan đến giao dịch ngân hàng, các thông tin thẻ, và trong mọi trường hợp không cung cấp các thông tin này qua các trao đổi, giao tiếp trên mạng xã hội; đăng ký dịch vụ SMS để biết ngay tình trạng biến động số dư tài khoản ngân hàng và tài khoản thẻ”, Vietcombank khuyến nghị.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đề nghị các khách hàng xem thông tin hướng dẫn giao dịch an toàn trên các kênh ngân hàng điện tử và giao dịch thẻ được cập nhật thường xuyên trên website của ngân hàng.

Cụ thể, trong tài liệu hướng dẫn của Vietcombank, cùng với hướng dẫn chi tiết cho khách hàng về những nguyên tắc để giao dịch an toàn trên các kênh Ngân hàng điện tử và giao dịch an toàn bằng thẻ của ngân hàng mình cũng như cách thức để liên lạc với ngân hàng khi gặp sự cố trong quá trình sử dụng dịch vụ, Vietcombank cũng cảnh báo về các loại hình tấn công trực tuyến mà tội phạm thường sử dụng hiện nay nhằm giúp khách hàng chủ động phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu tổn thất.

Theo Vietcombank, những loại hình tấn công trực tuyến thường được tội phạm sử dụng hiện nay bao gồm: Lừa đảo tài chính quốc tế; Trộm danh tính; Virus; Phishing; Hacking; và Lừa gạt qua mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zalo…

Đồng thời, Vietcombank cũng thông tin tới các khách hàng về những giải pháp bảo mật hiện đang được triển khai tại ngân hàng này, đó là: Sử dụng công nghệ bảo mật xác thực 2 yếu tố thông qua thiết bị bảo mật tin nhắn OTP và ứng dụng Vietcombank Smart OTP; cơ chế tự động khóa tài khoản dịch vụ Ngân hàng điện tử/ thẻ: sau 3 lần đăng nhập không thành công, Vietcombank sẽ tạm khóa tài khoản của khách hàng và khách hàng cần liên hệ với Vietcombank để được hướng dẫn kích hoạt lại tài khoản.

Vietcombank cũng đã tích hợp ứng dụng AhnLab Online Security cho các khách hàng sử dụng dịch vụ VCB-iB@nking - ứng dụng bảo mật được cài đặt vào máy tính của người sử dụng nhằm giúp khách hàng hạn chế tối đa khả năng bị đánh cắp thông tin khi thực hiện truy cập và sử dụng các dịch vụ trên VCBiB@nking của Vietcombank.

Ngoài ra, các giải pháp khác cũng được Vietcombank thực hiện đồng bộ trong các khâu thiết kế và vận hành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến và các chế độ cảnh báo rủi ro đáp ứng các thông lệ quốc tế.

Trước đó, vào trung tuần tháng 2/2017, Vietcombank đã có cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo phổ biến tại Việt Nam được ghi nhận trong các tháng đầu năm nay, trên cơ sở cập nhật thông tin cảnh báo về xu thế giả mạo đối với dịch vụ Internet Banking.

Cụ thể, Vietcombank cho biết, đối tượng lừa đảo tạo Facebook giả mạo của những người thân, bạn bè của khách hàng và nhờ khách hàng nhận hộ tiền gửi qua các hình thức chuyển tiền từ nước ngoài. Đối tượng lừa đảo sẽ cung cấp cho khách hàng đường link vào trang giả mạo các trang web chuyển tiền quốc tế. Nếu khách hàng nhập Tên truy cập (User name) và Mật khẩu (Password) trên đường link giả mạo này thì đã vô tình cung cấp thông tin để đối tượng lừa đảo ngay lập tức khởi tạo giao dịch chuyển tiền trên trang web của các ngân hàng.

Để hoàn tất giao dịch Internet Banking, các ngân hàng thường yêu cầu nhập mật khẩu 1 lần (one-time-pasword, viết tắt là OTP). Khi khách hàng nhận được tin nhắn từ ngân hàng báo mã OTP (giao dịch do đối tượng lừa đảo khởi tạo) và nhập tiếp vào màn hình theo yêu cầu trên đường link giả mạo thì đã giúp đối tượng lừa đảo hoàn tất giao dịch gian lận trong khi vẫn nghĩ rằng mình đang thực hiện giao dịch nhận tiền từ nước ngoài.

Cũng trong thông báo cảnh báo khách hàng được phát ra hồi tháng 2/2017, với mong muốn giúp khách hàng nắm được các quy tắc khi sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử và giao dịch qua mạng Internet, đồng thời biết bảo vệ trước các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, Vietcombank đã lưu ý các khách hàng về những điều tuyệt đối không được làm cũng như những việc nên thực hiện.

Đơn cử như, Vietcombank đề nghị khách hàng tuyệt đối không mở tài khoản và đăng ký dịch vụ Ngân hàng điện tử cho người khác sử dụng; Không tiết lộ tên đăng nhập (User name), mật khẩu truy cập, mã PIN của bất kỳ dịch vụ Ngân hàng điện tử, mã OTP, mã kích hoạt dịch vụ cho bất cứ ai qua bất kỳ kênh nào như điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng, website, đường link lạ…; Không sử dụng tên truy cập và mật khẩu truy cập các Dịch vụ ngân hàng điện tử làm mật khẩu truy cập các hệ thống khác ngoài ngân hàng…

2 cách thức đánh cắp tài khoản ngân hàng phổ biến

Trong bản tin an ninh mạng số 1 năm 2017 được công bố vào cuối tháng 3, Bkav cho biết, các tháng đầu năm nay đã xảy ra hàng loạt vụ việc đánh cắp tài khoản người dùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Phân tích các vụ việc, các chuyên gia an ninh mạng Bkav chỉ ra 2 cách thức mà hacker sử dụng để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của người dùng tại Việt Nam, đó là:

- Sử dụng mã độc đánh cắp thông tin

Hacker tạo một ứng dụng độc hại, thường là núp bóng ứng dụng phổ biến hoặc phần mềm bẻ khóa (crack) rồi đẩy lên Internet. Khi người dùng tải về và sử dụng, mã độc sẽ được kích hoạt để đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu. Chiếm được tài khoản của người dùng, tin tặc sẽ tiến hành các giao dịch lấy cắp tiền.

- Giả mạo website ngân hàng, tổ chức tài chính

Trong hình thức này, hacker tạo ra các website có giao diện giống hệt trang của ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền… Bước tiếp theo, chúng mạo danh ngân hàng, người thân, bạn bè gửi đường dẫn trang web đó tới nạn nhân. Trên trang giả mạo, người dùng sẽ được yêu cầu nhập thông tin cá nhân, tài khoản. Một khi thực hiện theo các hướng dẫn này là người dùng đã tự cung cấp tài khoản của mình cho hacker. Chuyên gia Bkav cho biết: “Để không trở thành nạn nhân các chiêu trò lừa đảo, người dùng lưu ý không click vào các đường link lạ. Đối với các yêu cầu đáng ngờ, nên xác minh với bạn bè, người thân trước khi cung cấp thông tin. Tuyệt đối không cài phần mềm không rõ nguồn gốc hay tải các ứng dụng không phải từ kho chính thống”

Theo ICT News

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.