Cảnh sát Indonesia phong tỏa hiện trường vụ đánh bom ở Jakarta. Ảnh: Reuters |
Theo điều tra sơ bộ, đây là một vụ đánh bom liều chết và có thể liên quan tới khủng bố. Giới chức Indonesia lo ngại vụ tấn công do thế hệ phiến quân mới đi theo tư tưởng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành.
Cùng ngày, diễn biến bạo lực cũng diễn ra tại Philippines. Tổng thống Philippines Duterte cho biết, phiến quân Hồi giáo đã chặt đầu một cảnh sát trưởng địa phương ở khu vực miền Nam nước này và ông cảnh báo có thể mở rộng lệnh thiết quân luật trên toàn bộ đất nước Philippines.
"Tôi có thể quyết định mở rộng lệnh thiết quân luật bao gồm cả Visayas bởi vì khu vực này rất gần với Mindanao và ở đó có nhiều hòn đảo. Các tay súng khủng bố có thể sẽ chạy đến đó ẩn náu và tiến hành các hoạt động khủng bố khác. Tôi đã ra lệnh cho quân đội, đặc biệt là Hải quân cấm vận các họ đảo đặc biệt là ngăn cách Mindanao khỏi Visayas", ông Duterte nói.
Trước đó, nhóm Hồi giáo vũ trang Maute đã tấn công vào thành phố Marawi thuộc tỉnh Lanao del Sur. Quân đội Chính phủ Philippines sau đó được triển khai để đối phó với hàng chục chiến binh của nhóm phiến quân này.
Các tay súng thuộc nhóm phiến quân này đã bắt giữ một linh mục và hơn chục người đi lễ tại một nhà thờ trong thành phố, đồng thời đe dọa giết chết con tin "nếu quân chính phủ không rút lui". Nhóm Maute đã thề trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào năm 2015.
Điều đáng quan ngại là những vụ tấn công này được truyền cảm hứng, có liên hệ với IS. Trong bối cảnh căn cứ của phiến quân khủng bố IS bị không kích dữ dội ở Trung Đông và khu vực này không còn là địa bàn lý tưởng với nhóm Nhà nước Hồi giáo. Vì vậy, tổ chức này cần có một địa bàn mới để "trú chân". Đó là những quốc gia láng giềng của Iraq, Syria hoặc là Đông Nam Á.
Đáng lo ngại nhất là Malaysia, Philippines và Indonesia - những nước có đa số người dân theo đạo Hồi. Khoảng 15% trong số gần 1,6 tỷ tín đồ Hồi giáo của thế giới đang sống ở Đông Nam Á. Điều này đã dẫn đến lo ngại rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường khủng bố.
Các cuộc tấn công tại Philippines và Indonesia đang cho thấy, chúng đã vươn "vòi bạch tuộc" tới tận Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã có những biện pháp chống khủng bố gồm phát hiện sớm và ngăn chặn các nguồn tài chính nuôi dưỡng khủng bố cùng với việc xóa bỏ ý thức hệ của nhóm khủng bố này.
Ông Mohamed Al Issa- chuyên gia phân tích chính trị của Saudi Arabia nhận định: “Sẽ không thể đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trừ khi chúng ta xóa bỏ được ý thức hệ của chúng. Các nỗ lực quân sự cũng rất quan trọng nhưng để loại trừ tận gốc rễ chủ nghĩa khủng bố thì cần phải đánh bại ý thức hệ của chúng”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, một điều điều cấp thiết nữa là các nước Đông Nam Á cần đẩy mạnh hợp tác chia sẻ tình báo theo một lộ trình bền vững để đối phó mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố.