Vụ bắt giữ “sếp lớn” Huawei: Trung Quốc trả đũa Mỹ như thế nào?

Trung Quốc có thể thực hiện nhiều biện pháp đáp trả Mỹ sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính của công ty Huawei.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu – con gái nhà sáng lập Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã gây leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Giới phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ cảm thấy nước này đang trở thành một “mục tiêu tấn công thiếu công bằng” và có thể thực hiện một số biện pháp đáp trả Mỹ trong tương lai.

Vụ bắt giữ “sếp lớn” Huawei: Trung Quốc trả đũa Mỹ như thế nào?

Bà Mạnh Vãn Chu.

Mỹ thiếu chiến lược rõ ràng với Trung Quốc

Theo giới quan sát, vụ việc diễn ra trùng thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố “đình chiến” thương mại kéo dài 90 ngày là một “cú giáng về ngoại giao”, có thể giúp Mỹ thực hiện một số mục tiêu về an ninh quốc gia nhưng lại làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán thương mại sắp diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington.

Chính quyền Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với những thời điểm khó khăn hơn nhiều trong bối cảnh Mỹ tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc và động thái này cho thấy, đến nay họ vẫn chưa có một kế hoạch đầy đủ về cách thức tiến hành nhiệm vụ. Theo giới phân tích, chính quyền ông Trump cần phải đưa ra thông điệp rõ ràng về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu cũng như vị trí của nó trong các mục tiêu rộng lớn hơn của Mỹ đối với Trung Quốc.

Việc các quan chức Mỹ không thông báo cho Tổng thống Trump về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu trong thời gian diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề Hội nghị G20, đã gửi đi thông điệp “thiếu rõ ràng” với Bắc Kinh. Thông điệp có thể là chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục gây sức ép bất chấp những gì Trung Quốc mang đến bàn đàm phán? Hoặc đơn giản điều này chỉ cho thấy đang có sự chia rẽ giữa các phe phái chính trị tại Mỹ về mục tiêu cạnh tranh đối với Trung Quốc. Và một khi Trung Quốc kết luận rằng Mỹ luôn theo đuổi việc thực thi một loạt các biện pháp trừng phạt bất chấp những bước đi mà Bắc Kinh đang thực hiện để giải quyết các mối lo ngại từ phía Mỹ, thì khi đó Bắc Kinh sẽ không sẵn lòng nhượng bộ.

Liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc sắp diễn ra, nếu chính quyền Tổng thống Trump muốn nhân vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu để tăng cường gây sức ép và tạo ưu thế so với Trung Quốc thì cách tiếp cận này nhiều khả năng không hiệu quả. Trong bình luận phát trên đài phát thanh Mỹ NPR, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John R. Bolton đã miễn cưỡng thảo luận trực tiếp về vụ bắt giữ, ông nhấn mạnh nhiều đến các vấn đề như sở hữu trí tuệ - dấu hiệu thể hiện sự nghiêm túc về việc giải quyết các vấn đề cấu trúc trong thương mại. Đây là một mục đích chính đáng nhưng không có vẻ như vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu sẽ giúp Mỹ có thêm nhiều ưu thế để đàm phán với Trung Quốc, bởi Huawei, dù là một công ty có tầm ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc song không thể làm thay đổi các lợi ích và những thông lệ đã “ăn sâu bám rễ” trong nền kinh tế Trung Quốc.

Theo một số chuyên gia, sẽ là phù hợp hơn khi chính quyền ông Trump gửi đi thông điệp rằng, vụ bắt giữ là hành động thực thi luật pháp và không liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại. Khi đó, đề xuất của nhiều quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng vụ bắt giữ có thể được sử dụng như đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới cần phải được suy xét lại.

Trung Quốc đáp trả Mỹ như thế nào?

Dù vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu không tạo ra mối đe dọa ngay lập tức đến thỏa thuận đình chiến thương mại, nhưng nó tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với quan hệ song phương. Ông Kerry Brown, chuyên gia thuộc Chương trình Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Chatham House cho rằng, Trung Quốc sẽ bắt đầu cảm thấy nước này đang trở thành một “mục tiêu tấn công thiếu công bằng” và có thể áp đặt một số biện pháp đáp trả Mỹ trong tương lai. “Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đáp trả một cách trực diện, công khai và dứt khoát. Họ có thể đáp trả bằng nhiều cách khác”.

Nếu bà Mạnh Vãn Chu và tập đoàn Huawei vi phạm luật pháp, Mỹ có quyền tìm kiếm lệnh bắt giữ và đưa bà Mạnh Vãn Chu ra xét xử. Trong trường hợp ngược lại, điều này sẽ là dấu hiệu gửi tới các đồng minh của Mỹ và Trung Quốc rằng, mối lo ngại của Mỹ đối với các vụ đánh cắp công nghệ hoặc cáo buộc các tập đoàn hay tổ chức vi phạm biện pháp trừng phạt đối với Iran chỉ là cái cớ để Mỹ thực hiện những mục tiêu khác. Lấy lý do Mỹ sử dụng lệnh bắt giữ để phục vụ cho mục đích chính trị, Trung Quốc cùng các quốc gia khác áp dụng những chiến thuật mạnh tay hơn chống lại các doanh nghiệp Mỹ trong tương lai.

Hơn nữa, vụ bắt giữ cũng dẫn đến những hệ lụy khác. Dù phản ứng của chính phủ Trung Quốc đến thời điểm hiện tại vẫn rất kiềm chế, song trên các diễn đàn của truyền thông Trung Quốc đang xuất hiện nhiều đề xuất về các động thái đáp trả tiềm năng của Bắc Kinh. Nếu căng thẳng leo thang, thì điều này có thể dẫn đến những rủi ro mới đối với các giám đốc điều hành của Mỹ đang làm việc ở nước ngoài.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc không chỉ đáp trả Mỹ mà còn nhằm vào các đồng minh của nước này như Canada – nơi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ và có khả năng bị dẫn độ về Mỹ? Chính quyền Tổng thống Trump đã và đang thúc đẩy các quốc gia như Canada, Anh, Australia hỗ trợ không chỉ cách tiếp cận của Mỹ đối với những vụ đánh cắp công nghệ mà còn các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Iran. Song đổi lại, các quốc gia này cũng cần Mỹ kề vai sát cánh với họ nếu bị đáp trả bằng những biện pháp cứng rắn.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực thi những hành động chống lại các công ty công nghệ của Trung Quốc sẽ tạo ra ảnh hưởng lâu dài đối với lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn quan tâm đến sức mạnh công nghệ của Mỹ và nỗ lực bảo vệ các cơ sở hạ tầng nhạy cảm. Nhưng nếu hành động của họ khiến Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch giành thế tự chủ trong các lĩnh vực công nghệ chủ chốt, thì khi đó Mỹ có một đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn.

Mỹ luôn lo ngại về những cam kết của Trung Quốc trong tuân thủ các quy tắc thương mại hay luật lệ an ninh quốc gia, nhưng ở thời điểm hiện tại, việc chính quyền Tổng thống Trump đảo ngược biện pháp trừng phạt đối với công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc vào phút chót và áp đặt thuế quan đối với nhiều đồng minh của Mỹ với lý do bảo vệ an ninh quốc gia đã cho thấy một nước Mỹ hàm chứa nhiều mâu thuẫn. Với vụ bắt giữ Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, chính quyền Tổng thống Trump đang đối mặt với phép thử lớn nhất chưa từng có. Họ cần phải chứng minh được rằng, những hành động mà họ đang thực hiện là một phần của cuộc chơi cứng rắn nhằm bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nước Mỹ./.

Theo VOV

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.