Mỹ có tham vọng gì khi thành lập Lực lượng đổ bộ vũ trụ?

Thủy quân lục chiến Mỹ đã chính thức thành lập lực lượng đổ bộ vũ trụ nhằm bảo đảm ngôi vị đứng đầu của Mỹ trên chiến trường mới này.

Theo mạng Spacenews (Mỹ), Thủy quân lục chiến Mỹ hôm 13/11 đã thành lập một đơn vị mới với tên gọi là “Bộ Chỉ huy vũ trụ thuộc Thủy quân lục chiến” (Marine Corps Forces Space Command - MARFORSPACE), đơn vị này sẽ trực thuộc Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (U.S. Space Command)

Đơn vị mới có trụ sở tại căn cứ không quân Offutt, bang Nebraska, bang này cũng là nơi đặt sở chỉ huy của Bộ Chỉ huy Không gian mạng của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ. Người phát ngôn của Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết, hai đơn vị này sẽ có quyền chỉ huy độc lập nhưng vẫn có chung một người quản lý cao nhất, đó là Thiếu tướng Matthew Glavy, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Không gian mạng của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Mỹ có tham vọng gì khi thành lập Lực lượng đổ bộ vũ trụ?

Nghi lễ trao cờ thành lập MARFORSPACE của Thủy quân lục chiến Mỹ. Nguồn: Sina.

Bộ Chỉ huy vũ trụ là một trong những đơn vị hiện đại của Mỹ, có nhiệm vụ thực hiện tác chiến vũ trụ từ độ cao 100 km trở lên như hoạt động dổ bộ vũ trụ, tiến hành các hành động đột kích trên vũ trụ. Ngoài ra, lực lượng này còn triển khai các chiến dịch trong vũ trụ trên quy mô toàn cầu, cũng cấp hỗ trợ và dữ liệu cho các chỉ huy tác chiến khác cùng các đồng minh hoặc đối tác của Mỹ. Lực lượng này sẽ chủ yếu bao gồm các chuyên gia vũ trụ từng hỗ trợ Bộ tư lệnh Chiến lược của Thủy quân lục chiến Mỹ.

“Chúng tôi sở hữu cơ hội đáng kinh ngạc để tạo ra sức mạnh trên môi trường thông tin dựa trên vị trí đặc biệt trong lực lượng hải quân và liên quân”, tướng Glavy cho biết trong thông cáo. “Vũ trụ và không gian mạng đóng vai trò quan trọng trong môi trường thông tin và có thể mang lại lợi thế cạnh tranh khi kết hợp với nhau”.

Việc thành lập đơn vị mới này đã thể hiện rõ tham vọng thống trị không gian vũ trụ của Mỹ. Hiện Mỹ đang sở hữu Bộ chỉ huy không gian (SpaceCom) với tổng quân số lên đến 16.000 quân, cả quân sự lẫn dân sự, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh không gian - Tướng Jay Raymond. Hai đơn vị này của Mỹ sẽ bảo đảm ngôi vị đứng đầu của Mỹ trên chiến trường mới này.

Ý tưởng về việc phát triển lực lượng không gian đã được “thai nghén” từ nhiều đời tổng thống Mỹ. Chiến lược này đã nhiều lần được điều chỉnh, nhưng tư tưởng xuyên suốt vẫn là xây dựng lực lượng tác chiến vũ trụ mạnh, đủ sức bảo đảm an ninh cho nước Mỹ trong mọi tình huống.

Lực lượng này có nhiệm vụ tấn công từ không gian các mục tiêu mặt đất và đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương, kiểm soát toàn bộ không gian gần Trái đất, tuyệt đối bá chủ không gian vũ trụ.

Nhiều nhà phân tích nhận định, bước đi mới này của Washington chắc chắn sẽ dẫn tới những phản ứng cứng rắn từ các quốc gia khác và những nước này sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và quốc tế. “Bóng ma” một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian đang hiện hiện.

Một số chuyên gia Nga cho rằng, Thủy quân lục chiến Mỹ thành lập lực lượng đổ bộ không gian không chỉ là mối đe dọa với Nga mà còn đối với toàn thế giới, bởi Washington sẽ có thể thành lập một hạm đội chiến đấu đặc biệt bao gồm các thiết bị vũ trụ nhỏ và được sử dụng nhiều lần với nhiệm vụ thu thập số liệu, phân tích thông tin, kiểm soát các thiết bị của các nước khác trên quỹ đạo, cũng như tiêu diệt chúng nếu cần.

Pháp, Australia đều coi hành động này là phiên bản 2.0 của Dự án Chiến tranh giữa các vì sao vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Hành động của Mỹ còn dẫn đến sự chấm dứt giấc mơ thám hiểm tầng không gian bên ngoài Trái đất, điều này đã vi phạm Hiệp ước Không gian, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và có hiệu lực vào năm 1967.

Theo Hiệp ước này, không gian ngoài trái đất là sở hữu chung. Vì vậy, Hiệp ước quy định quyền tự do thăm dò và sử dụng không gian ngoài hành tinh chỉ dành cho mục đích vì hòa bình, cũng như xác định các nguyên tắc không cho phép tuyên bố chủ quyền quốc gia ngoài không gian.

Theo Infonet

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast