Vu Lan - mùa hiếu hạnh

(Baohatinh.vn) - “Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ cha công dưỡng dục. Mùa báo hiếu bùi ngùi thương mẹ đức cù lao”. Khi cơn gió thu se lạnh thổi về, chiếc lá vàng rơi theo từng hạt mưa bay, ấy là một mùa Vu Lan nữa lại về, như nhắn nhủ lòng người nhớ về tổ tiên nguồn cội, tri ân công lao trời biển của mẹ cha.

Cuộc sống có biết bao nhiêu tình cảm cao đẹp, đáng trân quý, nhưng thiêng liêng, ấm áp, cao cả mà thầm lặng nhất vẫn là tình yêu thương, sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái. Tình cảm đó mỗi người đều mang theo từ lúc còn bé dại, thơ ngây cho đến khi khôn lớn, trưởng thành.

Vu lan - mùa hiếu hạnh, mùa tri ân, tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha.

Để tri ân, tưởng nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục trời bể của mẹ cha, mỗi dịp rằm tháng bảy về, trên khắp đất nước Việt Nam nói chung, những miền quê Hà Tĩnh nói riêng đều rộn ràng lễ Vu Lan báo hiếu.

Báo hiếu với ông bà, tổ tiên, với bậc sinh thành là một truyền thống văn hóa của người Việt từ bao đời nay. Lễ Vu Lan, tín ngưỡng của Phật giáo đã làm sâu sắc, nhân văn hơn truyền thống thờ cha kính mẹ của dân tộc, tô đậm thêm truyền thống đó để trở thành một sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng.

Từ tích xưa về Vu lan, người già cũng dạy con cháu biết ơn nguồn cội, yêu kính mẹ cha (Ảnh Anh Thùy).

Vu Lan xuất phát từ tích chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên tụng niệm cứu mẹ. Tích xưa của nhà Phật kể lại, bà Thanh Đề - mẹ của Mục Kiền Liên là người giàu sang nhưng tâm địa lại ác độc. Khi mất, bà bị đày vào hỏa ngục. Thấy mẹ sống khổ sở, đói khát, ông đưa cơm cho mẹ, bát cơm hóa thành than đỏ. Không đành lòng nhìn mẹ như vậy, Mục Kiền Liên đã tìm đến cầu xin Phật Thích ca cứu rỗi linh hồn mẹ mình.

Được Phật dạy rằng, đợi đến ngày Rằm tháng bảy, khi chư tăng mười phương “tự tứ” (lễ kết thúc thời gian an cư), hoan hỷ nhất thì xin chư tăng tụng niệm độ trì cho. Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật. Nhờ công đức cầu nguyện của các vị này, vong linh mẹ Mục Kiền Liên mới thoát khỏi khổ đạo.

Mỗi mùa Vu lan về, nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo chuẩn bị chu đáo cho đại lễ báo hiếu.

Từ đó, Phật giáo truyền lại tục lệ là vào ngày Rằm tháng bảy hằng năm, con cháu đều thắp hương, làm lễ cầu nguyện ông bà, cha mẹ đời đời được siêu độ; cha mẹ còn sống thì được an lành, hạnh phúc trong cuộc sống nhân sinh.

Sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động văn hóa tâm linh bị gián đoạn thì năm nay, lễ Vu Lan đã và đang được các cơ sở thờ tự của Phật giáo long trọng tổ chức, thu hút hàng vạn tăng ni, phật tử và người dân tham gia. Lễ Vu Lan không chỉ gói gọn trong ngày Rằm tháng bảy mà đã được gọi với những cái tên quen thuộc, ý nghĩa - mùa Vu Lan, mùa hiếu hạnh.

Phật tử, người dân được các sư thầy truyền giảng về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan, về công ơn sinh thành, dưỡng dục trời biển của mẹ cha.

Ngay từ đầu tháng bảy âm lịch, ban trị sự của các chùa, tăng ni, phật tử và cả người dân địa phương đã chuẩn bị chu đáo cho sự kiện đại lễ Vu Lan. Không đợi đến chính lễ, nhiều ngôi chùa đã tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu với nhiều nghi thức thành kính, tôn nghiêm mà vô cùng xúc động như: dâng hoa, dâng hương, cúng dường, cảm niệm Vu Lan, bông hồng cài áo, sám hối, tụng kinh niệm Phật...

Trong giai điệu da diết của những bài ca về mẹ, tại chùa Giai Lam (xã Tân Lâm Hương - Thạch Hà), phật tử, người dân được các sư thầy truyền giảng về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan, về công ơn sinh thành, dưỡng dục trời biển của mẹ cha.

Nghi thức bông hồng cài áo khiến bao người xúc động.

Người tham dự càng thêm tưởng nhớ về cha mẹ qua nghi thức bông hồng cài áo - một nghi thức không thể thiếu trong mỗi đại lễ Vu Lan. “Đóa vàng dâng tặng lên thầy. Đóa hồng cho bạn sum vầy mẹ cha. Đóa hường mẹ đã khuất xa. Còn màu trắng lệ thiết tha nỗi niềm".

Không phân biệt tăng ni, phật tử hay người dân, không phân biệt tuổi tác, mỗi người tham dự lễ đều cài lên ngực áo mình một bông hoa. Người may mắn còn cả mẹ và cha, được cài lên ngực áo bông hoa màu đỏ thắm, đượm sắc, tượng trưng cho niềm hạnh phúc tròn đầy, vô biên; người mất cha hoặc mất mẹ thì cài bông hoa màu hồng phớt; ai không còn mẹ cha thì tưởng nhớ đấng sinh thành bằng bông hồng màu trắng.

Mùa hiếu hạnh là dịp để tất cả mọi người thể hiện tình yêu, sự tri ân với đấng sinh thành.

Cài bông hồng trắng muốt lên ngực áo, bà Lê Thị Điểu (70 tuổi, thôn Mỹ Triều - xã Tân Lâm Hương) xúc động chia sẻ: “Cha mẹ tôi qua đời đã lâu, chúng tôi còn chưa kịp báo đáp gì. Năm nào tôi cũng cùng con cháu đến tham dự lễ Vu Lan báo hiếu ở chùa. Càng nghe lời thầy giảng, càng xúc động và nhớ thương mẹ cha muôn phần”.

Những giọt nước mắt đã rơi trên khuôn mặt của nhiều người. Có giọt nước mắt của nỗi tiếc thương, sám hối muộn màng, cũng có giọt nước mắt của niềm hạnh phúc vô biên khi còn mẹ, còn cha. Nhưng tất thảy đều có chung một ý niệm về lòng thành kính, về tình yêu thương, hiếu đạo với các đấng sinh thành.

Em Lê Thị Quỳnh Liên (bên trái) cảm thấy mình may mắn, hạnh phúc khi còn có mẹ cha

Từng nhiều năm tham gia phục vụ, biểu diễn văn nghệ tại các ngôi chùa trên địa bàn huyện Hương Sơn, Nghi Xuân, Thạch Hà trong đại lễ Vu Lan, em Lê Thị Quỳnh Liên (SN 2004, xã Sơn Giang, Hương Sơn) chia sẻ: “Mỗi mùa Vu Lan qua là thêm một lần em khắc sâu ơn nghĩa sinh thành của mẹ cha. Cảm thấy mình may mắn, hạnh phúc khi còn có mẹ cha nên em luôn tự hứa phải tu dưỡng, nỗ lực để đền đáp công ơn của đấng sinh thành”.

Không chỉ được tổ chức tại các ngôi chùa, lễ Vu Lan còn được nhiều gia đình, dòng họ coi là ngày lễ trọng. Trong quan niệm dân gian, rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội cho những người đã khuất, vì thế, mỗi gia đình thường sắm sửa lễ vật chu đáo để dâng cúng như một lời cảm tạ.

Các dòng họ, gia đình sắm sửa lễ vật thành tâm dâng cúng tổ tiên trong ngày lễ Vu lan.

Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy, anh em họ hàng gặp mặt, gắn kết máu mủ tình thân. Từ đó, mỗi người ý thức hơn trong tu dưỡng, rèn luyện bản thân, sống có hiếu với mẹ cha, nghĩa tình với anh em họ mạc.

Dù với cách thức tổ chức nào thì Vu Lan cũng đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống cộng đồng, là dịp để thêm một lần ta thấm sâu công đức tổ tiên, ơn nghĩa sinh thành, từ đó sống đẹp hơn, nhân văn hơn.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói