Vụ việc người dân chiếm đất rừng của Công ty Cao su Hà Tĩnh: Cần sớm xử lý dứt điểm!

(Baohatinh.vn) - Việc hàng trăm lượt người dân Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) chiếm dụng hàng chục ha đất rừng của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh để trồng keo, kéo dài 9 tháng nay, nhưng chưa được xử lý.

Vụ việc người dân chiếm đất rừng của Công ty Cao su Hà Tĩnh: Cần sớm xử lý dứt điểm!

Một phần Tiểu khu 402 được Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh phát dọn thực bì để trồng rừng nhưng đã bị người dân lợi dụng chiếm trồng keo.

Diễn biến vụ việc

Hành vi vi phạm “tập thể” trên được Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) Nguyễn Thái Toàn trình bày với tâm trạng bức xúc. Theo đó, từ 1/3 - 6/3/2018, rất nhiều hộ dân thôn Lạc Thanh (xã Kỳ Lạc) đã tự ý tụ tập, lôi kéo nhau thực hiện hành vi chiếm đất của Nông trường Cao su Kỳ Lạc, thuộc Công ty TNHH MTV Cao su (Công ty Cao su) Hà Tĩnh với số lượng ngày một đông. Cụ thể: ngày thứ nhất, có 32 hộ; ngày thứ hai 72 hộ; ngày thứ ba 100 hộ; ngày thứ tư 100 hộ; ngày thứ năm 97 hộ.

“Trước tình hình trên, UBND xã đã phối hợp với các ban, ngành, Công ty Cao su, có mặt tại hiện trường để tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân dừng ngay hành vi lấn chiếm đất... Tuy nhiên, các hộ không chấp hành, tiếp tục hành vi lấn chiếm đất, trồng cây, với tổng diện tích lên tới 23,6 ha, tại nhiều lô thuộc Tiểu khu 402 (xã Kỳ Lạc)”, ông Toàn cho biết thêm.

Không chỉ tự ý, lôi kéo nhau chiếm 23,6 ha đất trái phép tại Tiểu khu 402, hành vi lấn chiếm đất còn được đông đảo người dân nơi đây mở rộng sang cả Tiểu khu 403. Tại đây, 23 hộ dân khác (không thuộc trăm hộ trên) cũng đã kịp “đào hào, rào chiếm, trồng cây...” chiếm tới 11,9 ha.

Vụ việc người dân chiếm đất rừng của Công ty Cao su Hà Tĩnh: Cần sớm xử lý dứt điểm!

Trên 100 hộ dân thôn Lạc Thanh, xã Kỳ Lạc có hành vi lấn chiếm đất, trồng keo trên đất của Công ty Cao su Hà Tĩnh.

Người trong cuộc nói gì

“Đây là hành vi vi phạm mang tính tập thể; số đông người trong thôn Lạc Thanh đã lợi dụng lấn chiếm đất của Công ty, khi đơn vị này chưa đưa vào sử dụng vì đang chờ khắc phục, tận thu tài sản thiệt hại sau bão số 10 (15/9/2017 - PV)...

Từ đó đến nay, UBND xã đã tổ chức 12 cuộc họp (có sự tham gia phối hợp của Công ty, UBND huyện...) để tuyên truyền, vận động, đối thoại, yêu cầu người dân chấp hành pháp luật, chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất trái phép. Dù vậy, cho đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan...”, ông Toàn lắc đầu thở dài.

Biện minh cho hành động sai trái của mình, nhiều người dân trong nhóm “lấn chiếm” đã có những lý sự khó chấp nhận. “Đất nhà nước giao cho Công ty là để trồng cao su, sao Công ty lại đi trồng keo. Nếu trồng keo thì người dân chúng tôi cũng trồng được... Hơn nữa, diện tích này Công ty đã để hoang lâu rồi, trong khi người dân lại cần đất để sản xuất...”, ông N.V.H. cùng một số hộ khác tại thôn Lạc Thanh, lý sự.

Thế nhưng, theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc, bình quân mỗi hộ trên địa bàn xã đã có trên 2ha đất rừng sản xuất.

Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Nông trường Cao su Kỳ Lạc cho biết: "Các tiểu khu trên đã được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số AL 944497) cho Công ty Sao su Hà Tĩnh (Quyết định số 89, ngày 12/1/2009 UBND tỉnh Hà Tĩnh). Trên diện tích này, đơn vị đã trồng cây cao su, với diện tích trên 231 ha và trồng rừng nguyên liệu (keo) trên 418 ha... Số diện tích cây trên đều được bảo vệ an toàn, ổn định, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều lao động là con em trên địa bàn xã.

Vụ việc người dân chiếm đất rừng của Công ty Cao su Hà Tĩnh: Cần sớm xử lý dứt điểm!
Vụ việc người dân chiếm đất rừng của Công ty Cao su Hà Tĩnh: Cần sớm xử lý dứt điểm!

Danh sách 23 hộ dân xã Kỳ Lạc lấn chiếm đất, trồng keo với quy mô nhỏ lẻ nhưng cũng đã lên đến gần 12 ha tại Tiểu khu 403.

“Năm 2017, bão số 10 gây thiệt hại hoàn toàn diện tích cao su và keo nói trên, không thể khắc phục được, đơn vị đành đưa vào diện thanh lý và trồng lại trong năm 2018. Đầu năm nay, đơn vị đã tiến hành phát dọn thực bì chuẩn bị hiện trường để trồng mới 200 ha rừng (keo). Thế nhưng, lợi dụng việc đất đã được phát dọn này, hàng trăm lượt người dân thôn Lạc Thanh đã ngang nhiên kéo vào lấn chiếm đất, trồng cây trên lâm phần Công ty quản lý”, ông Chung cho hay.

Cùng theo ông Chung, khi phát hiện sự việc, Công ty thành lập đoàn kiểm tra, bố trí nhân lực thường xuyên có mặt tại điểm xẩy ra lấn chiếm để tuyên truyền, vận động người dân dừng ngay hành vi vi phạm pháp luật này nhưng bất thành. Thậm chí, trong thời gian các bên liên quan đang tìm cách giải quyết vụ việc trên, nhiều hộ dân khác lại lén lút chiếm thêm 10 ha đất nữa để trồng keo. Công ty đã báo cáo chính quyền các cấp từ xã lên tỉnh để cùng phối hợp giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả...

Vụ việc người dân chiếm đất rừng của Công ty Cao su Hà Tĩnh: Cần sớm xử lý dứt điểm!

Phóng viên Báo Hà Tĩnh làm việc với lãnh đạo Công ty Cao su Hà Tĩnh, tại xã Kỳ Lạc.

Ông Nguyễn Khánh Toàn - Giám đốc Công ty Cao su Hà Tĩnh, tỏ rõ sự lo lắng: "Công ty đã báo cáo đầy đủ với các cấp, ngành có thẩm quyền... Nếu sự việc này không kịp thời giải quyết thì toàn bộ diện tích của Nông trường Kỳ Lạc có nguy cơ bị người dân lấn chiếm hết trong thời gian tới".

Sự thận trọng trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật có sự tham gia của một lực lượng lớn người dân là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu sự việc trên chậm được giải quyết, xử lý..., e rằng, tính giáo dục, răn đe của pháp luật sẽ kém tác dụng và không chừng “cái sảy nảy cái ung”.

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Không chỉ là bài học riêng cho 3 bị cáo, phiên tòa mà TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở còn là lời cảnh tỉnh cho những ai hám lợi để vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Đại học Huế

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Đại học Huế

Ông Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ trong thời gian ông Phương làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.