Vũng Áng - Khu kinh tế động lực của miền Trung!

(Baohatinh.vn) - Tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên… là những điểm mạnh để khu kinh tế (KKT) Vũng Áng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những tiềm năng, lợi thế đó chưa được khai thác hiệu quả. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số dự án tại KKT đã, đang phải tạm dừng triển khai.

Hệ thống cảng biển nước sâu Sơn Dương – Vũng Áng có thể đón tàu trọng tải 30 – 50 vạn tấn là một trong những lợi thế riêng có của KKT Vũng Áng

Tiềm năng, lợi thế lớn

Lợi thế của KKT Vũng Áng không chỉ là cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương cho phép tàu có tải trọng từ 30-50 vạn tấn cập bến mà còn là nơi gần nhất với tuyến hàng hải quốc tế. Nơi đây còn có hệ thống giao thông đường bộ nối tuyến Bắc - Nam, đường 12 nối với Lào và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan - cửa ngõ gần nhất để ra biển Đông.

KKT Vũng Áng là một trong 5 KKT trọng điểm được Chính phủ lựa chọn phê duyệt tại đề án “Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015”. Theo đó, nơi đây được xác định là vùng kinh tế động lực, nơi tập trung phát triển cụm ngành trọng điểm của tỉnh và khu vực trong định hướng phát triển không gian và lãnh thổ với các cụm ngành trụ cột có ý nghĩa chiến lược của Hà Tĩnh, của Việt Nam như: Khu liên hợp luyện cán thép công suất từ 15-20 triệu tấn, là trung tâm sản xuất, chế biến sắt, thép và các sản phẩm từ thép; trung tâm nhiệt điện 6.300 MW thuộc Quy hoạch điện VII (Tổng sơ đồ điện VII quốc gia); trung tâm lọc hóa dầu công suất 16 triệu tấn; trung tâm thương mại và dịch vụ hậu cần gắn với tổ hợp cảng Vũng Áng - Sơn Dương...

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1

Với những lợi thế đó, những năm gần đây, Vũng Áng đang ngày một sôi động với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư “tên tuổi” với những dự án, nguồn vốn khổng lồ. Theo ông Đặng Văn Thành - Phó trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, đến thời điểm này, trên địa bàn KKT Vũng Áng, ban quản lý đã xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 115 dự án, trong đó gồm có 65 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư hơn 46.414 tỷ đồng và 50 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức hơn 11.470 triệu USD. Chỉ tính riêng trong năm 2016, ban đã cấp mới 20 dự án, trong đó có 7 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 154 triệu USD và 13 dự án trong nước với tổng mức đầu tư 1.099 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 18 dự án cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình chính và đưa vào hoạt động SXKD. Trong số các dự án này, có một số dự án đã hoạt động hiệu quả như: Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào, Tổng kho Xăng dầu Vũng Áng…

Khó khăn còn nhiều

Những năm qua, Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào KKT Vũng Áng và bước đầu đã có một số dự án triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, KKT Vũng Áng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế, chưa xứng tầm là KKT động lực của khu vực như kỳ vọng. Đặc biệt, hiện đang có khá nhiều dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai, trong đó, nguyên nhân chính là do nhà đầu tư thiếu vốn, công tác GPMB chưa kịp thời.

Khu đất dành cho dự án khu ký túc xá và nhà ở công nhân có gia đình của Công ty Formosa Hà Tĩnh đang gặp nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Dự án Trung tâm thương mại đa ngành, đa nghề Lợi Châu do Công ty TNHH Bảo Châu đầu tư là một ví dụ. Với tổng mức đầu tư trên 14,7 triệu USD, dự án được chính quyền địa phương hoàn thành việc bàn giao mặt bằng vào tháng 9/2015. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư chỉ mới hoàn thành một số hạng mục như: nhà 3 tầng trung tâm thương mại tổng hợp, hoàn thiện một số hạ tầng kỹ thuật trong diện tích được cấp, 1 khu xử lý nước thải sinh hoạt. Tương tự, dự án Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu Phonesack Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010 nhưng đến nay chỉ mới san lấp được 85% mặt bằng và chưa triển khai xây dựng bất kỳ hạng mục nào.

Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý KKT Vũng Áng thì nguyên nhân khiến các dự án này dừng triển khai hoàn thiện là do thiếu nguồn vốn đầu tư và một phần do thị trường chưa có nhu cầu. Bên cạnh đó, hiện nay, cơ sở hạ tầng tại KKT chưa được đầu tư hoàn thiện nên một số dự án sau khi giới thiệu nhà đầu tư không thể triển khai. Một số nhà đầu tư đầu tư vào những vị trí không phù hợp với quy hoạch thì phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ trước khi làm các thủ tục tiếp theo. Trong khi đó, việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ tốn rất nhiều thời gian đã làm giảm cơ hội đầu tư.

Năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp nhận chủ trương cấp phép để Formosa xây dựng dự án ký túc xá và nhà ở cho cán bộ công nhân có gia đình tại phường Kỳ Liên (TX Kỳ Anh) với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 434 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc ở khâu GPMB, đến nay vẫn chưa được tiến hành, vì thế, dự án vẫn chưa thể đi vào xây dựng. “Phía công ty đang chờ thị xã Kỳ Anh đốc thúc, dự án sẽ được triển khai ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bàn giao mặt bằng, hoàn thành trong thời hạn 30 tháng” - lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cho biết.

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói