Vùng đất Trung Quốc có trữ lượng vàng khổng lồ

Tỉnh Sơn Đông ở phía đông Trung Quốc ước tính sở hữu tới 4.500 tấn trong số 63.000 tấn vàng chưa khai thác trên thế giới.

Chưa thể sản xuất nhân tạo một cách hiệu quả, gần như toàn bộ vàng trên thị trường đều bắt nguồn từ hoạt động khai thác hoặc tái chế. Ảnh: CFP

Giữa tháng 3, tỉnh Sơn Đông phát hiện mỏ vàng với trữ lượng khoảng 50 tấn, có thể bán với giá khoảng 3 tỷ USD theo giá hiện tại. Mỏ này nằm ở vùng nông thôn thành phố Nhũ Sơn, phía đông của tỉnh.

Mỏ bao phủ một khu vực rộng lớn, các quặng cũng dễ khai thác và đẽo gọt, theo Cơ quan Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản tỉnh Sơn Đông. “Những người thăm dò đã khoan hơn 250 lỗ sâu tới 1.400 m để tìm thấy mỏ”, Zhou Mingling, phó trưởng Đoàn Địa chất số 6 tại cơ quan này cho biết.

Không giống nhiều vật liệu giá trị khác, ví dụ như kim cương, người ta chưa thể thể tạo ra vàng bằng biện pháp nhân tạo và thiết thực. Đó là một trong những lý do khiến vàng có giá trị lớn. Các nhà khoa học đã tìm ra một số cách chế tạo vàng, nhưng chúng không hiệu quả về mặt chi phí để ứng dụng thực tế. Vì vậy, gần như toàn bộ vàng trên thị trường đều bắt nguồn từ hoạt động khai thác hoặc tái chế.

Vậy vàng tự nhiên trong các mỏ đến từ đâu? Giới chuyên gia chưa rõ đáp án chính xác nhưng đã đưa ra nhiều giả thuyết. Một giả thuyết phổ biến là vàng bắt nguồn từ vụ va chạm giữa hai sao neutron, giải phóng một lượng năng lượng thiên văn đủ để tạo ra vàng.

Không phải mọi nơi đều có trữ lượng vàng như nhau. Một thị trấn có thể gần như không chứa vàng, trong khi thị trấn lân cận lại sở hữu trữ lượng khổng lồ.

Theo Zhu Yongfeng, giáo sư tại Viện Địa hóa học, Đại học Bắc Kinh, hơn 100 giả thuyết đã được đưa ra để giải thích sự phân bố của vàng trong ba thập kỷ qua.

“Đa số lý thuyết đều chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Một số đã được chứng minh là hoàn toàn sai”, CGTN hôm 2/4 dẫn lời Yongfeng. Ông cho biết, những cơn sốt tìm vàng lan từ nơi này sang nơi khác trong vài thập kỷ qua, nhưng không có nhiều lý thuyết hữu ích để thực sự tìm thấy vàng.

Một trong số ít giả thuyết khả dĩ là trữ lượng vàng thường xuyên được phát hiện gần vành đai động đất, vì các hoạt động núi lửa và magma có thể khiến vàng tập trung ở một số khu vực cụ thể.

Vành đai lửa Thái Bình Dương. Ảnh: Next

Sơn Đông rất giàu tài nguyên vàng với sản lượng lớn hơn bất cứ tỉnh nào khác ở Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua. Tỉnh này nằm dọc theo đường đi của vành đai động đất lớn nhất thế giới - vành đai địa chấn vòng quanh Thái Bình Dương, còn gọi là “Vành đai lửa”. Nhưng điều đó không đủ để giải thích trữ lượng vàng lớn của tỉnh này, đặc biệt là ở bán đảo Giao Đông, phía đông Sơn Đông, vì Vành đai lửa trải dài theo vành đai của toàn bộ Thái Bình Dương.

Bán đảo Giao Đông còn có đặc trưng là cấu trúc địa chất phức tạp, bao gồm các đứt gãy và nếp uốn, tạo điều kiện thuận lợi cho mỏ vàng hình thành. Suốt hàng triệu năm, khu vực này trải qua những hoạt động kiến tạo dữ dội, “đẩy” các mỏ vàng sâu dưới lòng đất lên gần bề mặt.

Hoạt động khai thác vàng ở Giao Đông tồn tại hơn 2.000 năm và người dân địa phương đã phát triển những kỹ thuật khai thác tiên tiến. Giao Đông là địa điểm khai thác vàng lớn thứ ba thế giới, theo dữ liệu mà chính quyền địa phương công bố cuối năm 2020.

Tính đến năm 2021, tỉnh Sơn Đông ước tính chứa tới khoảng 4.500 tấn trong tổng số 63.000 tấn vàng chưa khai thác của thế giới. Như vậy, mỏ vàng 50 tấn mới phát hiện chỉ chiếm hơn 1% tổng trữ lượng vàng tiềm năng của tỉnh. Với sự phát triển của công nghệ, có thể các chuyên gia sẽ tìm thấy nhiều vàng hơn ở Sơn Đông trong tương lai.

Theo Thu Thảo/VNE (CGTN)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói