Vùng thượng Kỳ Anh - nỗi lo sau mưa lũ

(Baohatinh.vn) - Gần 100 ha đất sản xuất, hơn 160 ha đất rừng bị bồi lấp, sạt lở; hàng trăm ngôi nhà nằm gần chân đồi, núi nơm nớp lo lở đất là những khó khăn lâu dài đặt ra với huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sau mưa lũ.

Video: Ruộng lúa bị vùi lấp, cuộc sống của người dân gặp khó khăn

Vùng thượng Kỳ Anh - nỗi lo sau mưa lũ

Nằm tựa sát vào sườn núi, căn nhà của gia đình chị Bùi Thị Mỹ suýt bị vùi lấp bởi vụ sạt lở mới đây.

Sau đợt mưa lũ gây lở đất trên diện rộng ở Kỳ Anh, nhiều hộ dân sống ở sát sườn núi tại các xã vùng thượng mới nhận ra những bất an ở nơi mình sinh sống.

Tại xã Kỳ Trung, với địa bàn lòng chảo, hiện có hàng chục ngôi nhà nằm sát sườn núi, trong đó thôn Trung Sơn với gần 40 hộ dân là khu vực nguy hiểm nhất.

Vùng thượng Kỳ Anh - nỗi lo sau mưa lũ

Một phần bức tường sau nhà bị đất đá trôi từ sườn núi vùi lấp, gia đình chị Mỹ đã phải mất khá nhiều thời gian để sửa sang, dọn dẹp

Chị Bùi Thị Mỹ ở thôn Trung Sơn - một trong những hộ làm nhà kiên cố gắn với kinh tế vườn, rừng ở dưới chân núi. Cơn lũ vừa qua, núi sụt lở đã làm đất đá trôi tuột xuống lấp một phần bức tường nhà. Từ đó đến nay, hễ trời mưa to là cả gia đình phải đi sơ tán, lánh nạn. Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Mỹ: “Biết bao công sức để làm nhà cửa, chuồng trại, vườn tược, ổn định cuộc sống nơi đây, để di dời đến một nơi ở khác đòi hỏi chi phí quá lớn, nằm ngoài khả năng của gia đình”.

Không chỉ với các hộ gia đình, những ngày qua, phụ huynh và giáo viên Trường Mầm non xã Kỳ Trung cũng không thể yên tâm khi khuôn viên nhà trường chỉ nằm cách chân núi chừng vài trăm mét.

Vùng thượng Kỳ Anh - nỗi lo sau mưa lũ

Toàn bộ khuôn viên Trường Mầm non xã Kỳ Trung nằm gọn dưới chân núi

Cô giáo Nguyễn Thị Hà Giang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các trận mưa vừa rồi, dãy núi sau trường đã xuất hiện hiện tượng bất thường, nước chảy về phía khuôn viên nhà trường rất nhiều, mang theo nhiều đất, cát.

Nguy cơ về việc sạt lở núi rất cần phải tính đến. Vì vậy trước khi có những giải pháp lâu dài, chúng tôi sẽ theo dõi những dấu hiệu bất thường và cho học sinh nghỉ học khi có mưa lớn kéo dài.

Ở xã Kỳ Thượng, theo Chủ tịch UBND xã Vũ Trung Tiến, hiện có khoảng 24 hộ dân nằm ở khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở cao dưới dãy núi Lê Lê ôm lấy 3 thôn Bắc Tiến, Tân Tiến, Phúc Thành 2. Điều mà người dân lo hơn cả trong lúc này là hơn 35ha đất lúa và hàng chục ha đất rừng đã bị vùi lấp, sạt lở nặng nề, rất khó khôi phục.

Đặc biệt đối với diện tích đất trồng lúa chủ yếu nằm ven khe núi, bị vùi lấp từ 0,5 đến hơn 2m nên rất khó để cải tạo, khôi phục sản xuất, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.

Vùng thượng Kỳ Anh - nỗi lo sau mưa lũ

Gần 100% diện tích đất ruộng của thôn Bắc Tiến (Kỳ Thượng) bị vùi lấp bởi lớp đất đá dày hàng mét.

Thôn Bắc Tiến có 12 ha đất lúa thì có trên 11 ha bị vùi lấp 100%, phần lớn diện tích rất khó phục hồi.

Ông Nguyễn Văn Kháng ở thôn Bắc Tiến cho biết, gia đình lâu nay tự chủ về lương thực nhờ vào 1,5 sào đất ruộng, Tuy nhiên những trận lũ lụt vừa qua đã san phẳng các ruộng lúa của ông cũng như các hộ khác cùng trong vùng bởi hàng ngàn khối đất đá dày gần 1m.

Vùng thượng Kỳ Anh - nỗi lo sau mưa lũ

Ông Kháng dọn dẹp rác rưởi tồn đọng trên mặt ruộng của gia đình đã bị đất vùi lấp

Chuẩn bị vào vụ xuân, thế nhưng theo ông Kháng, việc khôi phục sản xuất là rất khó. Thứ nhất là do đất vùi lấp dày hơn 1m, hai là muốn làm thì phải tiến hành đồng loạt trong cả vùng sản xuất chứ không thể tiến hành đơn lẻ. Người dân sau lũ còn nhiều khó khăn nên chưa có nguồn lực đầu tư.

Trưởng thôn Bắc Tiến Lê Văn Lưu cho biết: “Dù diện tích đất lúa của thôn không lớn nhưng hàng năm đảm bảo an ninh lương thực cho 240 hộ dân. Nay gần như bị xóa sổ hoàn toàn, thời gian tới người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn."

Vùng thượng Kỳ Anh - nỗi lo sau mưa lũ

Hầu hết các diện tích đất bị vùi lấp rất khó để phục hồi lại nguyên trạng

Một số xã khác ở huyện Kỳ Anh như Kỳ Tây, Kỳ Sơn, Lâm Hợp, Kỳ Lạc cũng bị thiệt hại khá lớn diện tích đất trồng lúa, hoa màu và đất rừng. Như Kỳ Tây - xã vùng thượng khó khăn nhất hiện nay - có tổng số 35 ha, trong đó, 19 ha đất lúa và 16 ha đất trồng khác bị vùi lấp, với 127 hộ bị ảnh hưởng.

Mất đất sản xuất gây khó khăn kéo dài về sinh kế của người dân sau lũ đang khiến xã nghèo càng chậm chân hơn trong lộ trình xây dựng NTM.

Vùng thượng Kỳ Anh - nỗi lo sau mưa lũ

Toàn xã Kỳ Tây có tổng số 35 ha, trong đó, 19 ha đất lúa và 16 ha đất trồng khác, với 127 hộ bị ảnh hưởng.

Được biết, đợt mưa lũ vừa qua đã làm xói, trôi trên 166 ha rừng tự nhiên và rừng trồng; vùi lấp gần 100 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa 2 vụ trên 75 ha, đất trồng cây hàng năm khác trên 24 ha, với hơn 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Thống kê sơ bộ của các xã cũng cho thấy có hàng trăm hộ dân, công trình công cộng ở gần các chân đồi, núi, cần có định hướng và giải pháp lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Thanh Hải cho biết, huyện đang triển khai rà soát đánh giá và có chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ dân bị mất đất ruộng để đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, về lâu dài, việc giúp người dân khôi phục lại diện tích đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề để ổn định sinh kế; đồng thời từng bước di dời nơi ở các hộ dân ra vùng ven đồi núi trong bối cảnh biến đổi khí hậu còn diễn ra phức tạp là bài toán khó với huyện Kỳ Anh.

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.