Ấm áp tình yêu thương

(Baohatinh.vn) - “Suốt nhiều năm đứng lớp, tôi đã gặp không ít học sinh bị khuyết tật, nhưng cô trò nhỏ bị câm điếc bẩm sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền (7 tuổi) để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất” - cô Phan Thị Thanh Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Xuân Viên (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) trải lòng.

Cô trò nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt

7 năm trước, bé Thanh Huyền cất tiếng khóc chào đời. Tròn 1 năm tuổi, mẹ em mới nhận ra điều bất thường, bởi em không có bất kỳ phản ứng gì khi nghe tiếng người gọi. “Thanh Huyền được các bác sỹ chẩn đoán mắc bệnh hỏng tai trong, bị câm bẩm sinh sau khi ra Hà Nội khám bệnh” - bà ngoại Huyền nói sau tiếng thở dài.

am ap tinh yeu thuong

Cô Phan Thị Thanh Thủy tập phát âm cho cháu Thanh Huyền.

Huyền là con gái đầu của anh Nguyễn Thanh Cảnh và chị Nguyễn Thị Mai. Em trai Huyền bị chết đuối từ nhỏ. Tai họa liên tục giáng xuống khiến người mẹ không chịu nổi những cú sốc, bỏ nhà đi biền biệt. Thanh Huyền vừa nhập học được mấy tháng thì người bố lại vướng vào vòng lao lý. Cô bé tật nguyền chỉ còn lại người thân duy nhất là bà ngoại được xếp vào diện hộ nghèo của xã. Vừa bước vào tuổi “ngũ tuần” nhưng vất vả và bệnh tật triền miên khiến người phụ nữ này trông già nua, khắc khổ. “Tui từng mổ vòm họng, 2 lần mổ thận phải. Bác sỹ bảo, 2 tháng sau phải ra Hà Nội làm thêm cuộc phẫu thuật thận nữa thì mới kéo dài sự sống, nhưng tôi không biết lấy mô tiền đi chữa bệnh chú à” - bà Nguyễn Thị Thanh nói như muốn khóc.

Bà có 3 cô con gái đều đã lấy chồng xa nhưng quá nghèo nên chẳng giúp được gì nhiều, thu nhập 2 bà cháu chỉ nhìn vào việc bán mớ rau, con gà nuôi trong vườn cùng số tiền 540.000 đồng dành cho người khuyết tật.

… Ấm áp giữa vòng tay yêu thương

Bà Thanh kể, khi cháu đủ tuổi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Viên là cô Phan Thị Quỳnh Trang động viên bà đưa cháu đến lớp. Những ngày đầu, cô bé Thanh Huyền nước da xanh mái lặng lẽ thu mình một góc, dè dặt nhìn chúng bạn nô đùa.

am ap tinh yeu thuong

Cô Phan Thị Thanh Thủy trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh để có biện pháp giúp em Huyền

Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi cho đến ngày cô giáo Phan Thị Thanh Thủy được phân công phụ trách lớp của Thanh Huyền. Vốn có cảm tình từ trước nên cô chú ý đến học trò “đặc biệt” này. Mỗi lần cô đọc bài lại thấy Thanh Huyền mắt nhìn chăm chú, miệng hé dần, đôi môi mấp máy như muốn nói. Nhận biết tín hiệu này, cô Thủy thức trắng hàng đêm vào mạng tra thông tin tìm hiểu bệnh câm điếc cũng như cách dạy em học; để rồi trong giáo án chung còn dành một khoảng riêng cho cô học trò đáng thương này. Gần gũi, yêu thương như chính con đẻ của mình, cặp cô - trò “dính” với nhau như sam sau những giờ học, những lúc ra chơi hay những buổi chiều muộn.

am ap tinh yeu thuong

Được sự quan tâm của cô giáo, em Huyền đã có những tiến bộ đáng kể

Sự tận tâm, miệt mài, kiên nhẫn không giới hạn của cô giáo cuối cùng cũng mang đến thành công. Thanh Huyền từ chỗ bị câm đã nói được những chữ a, ô..., rồi có thể gọi tên cô ơi, bà ơi một cách rành rọt trong niềm vui của nhiều người. Cô Thủy tâm sự: “Thương cô trò nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, ngoài việc truyền cảm hứng, tôi thường nhẹ nhàng để cháu dần cởi mở, tự tin. Mỗi lần cô phát âm, cháu không chỉ nhìn vào miệng mà còn nhìn vào mắt để cảm nhận được tình cảm yêu thương của người mẹ”.

“Thanh Huyền và những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khác trong trường đã được miễn giảm các khoản học phí, tiền ăn bán trú và được chăm sóc đặc biệt. Ngoài nhiệm vụ truyền giảng kiến thức, các cô giáo còn kết nối với cộng đồng, vận động các nguồn lực nâng bước cho các em đến trường” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Viên Phan Thị Quỳnh Trang cho biết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast