Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng tránh thương tích, đuối nước cho trẻ em Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mặc dù mới bước vào mùa hè nhưng trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em. Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Mai Hoa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là đuối nước.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng tránh thương tích, đuối nước cho trẻ em Hà Tĩnh

- Xin bà cho biết những kết quả đạt được và khó khăn đặt ra trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em trên địa bàn tỉnh?

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, đặc biệt là công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đã được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 10/7/2019 về tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng khác.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng tránh thương tích, đuối nước cho trẻ em Hà Tĩnh

Dịp hè này, các trường học trên địa bàn Hương Khê sẽ tổ chức dạy bơi cho học sinh. (Ảnh tư liệu chụp tại Trường Tiểu học thị trấn Hương Khê)

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT, Sở TT&TT, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn, Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh… đã phối hợp, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nhiều hoạt động như tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; in ấn, phát hành hơn 100 nghìn tờ rơi tuyên truyền phòng chống đuối nước đến đến tận tay học sinh; tổ chức dạy bơi, học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; rà soát, kịp thời lắp đặt hàng ngàn biển cảnh báo nguy hiểm, làm rào chắn tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích, nhất là khu vực tiềm ẩn nguy cơ đuối nước trẻ em.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng tránh thương tích, đuối nước cho trẻ em Hà Tĩnh

Thầy Võ Văn Tuấn - Tổng phụ trách đội Trường THCS Kỳ Thượng hướng dẫn kỹ năng phòng tránh đuối nước cho học sinh (Ảnh tư liệu)

Việc đầu tư các nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích được các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện, góp phần vào việc kiểm soát, hạn chế tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng tránh thương tích, đuối nước cho trẻ em Hà Tĩnh

Khu vực Sông Tiêm (huyện Hương Khê) nơi xảy ra vụ 2 học sinh đuối nước thương tâm vừa xảy ra ngày 27/5/2021. Ảnh: Đức Quyền.

Tuy nhiên, tình hình tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em ở một số địa phương vẫn xẩy ra, chúng ta còn phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng về tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em hay những vụ việc về xâm hại, bạo lực đối với trẻ.

Mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 1.300 trẻ em bị tai nạn thương tích các loại. Theo thống kê từ đầu năm đến ngày 27/5, trên địa bàn Hà Tĩnh có hơn 750 em bị tai nạn thương tích. Trong đó, 12 trẻ em bị tử vong do đuối nước, 2 em bị tử vong do tai nạn giao thông...

- Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là hạn chế tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước, trong thời gian tới, chúng ta cần triển khai những biện pháp nào, thưa bà?

Thứ nhất, cần tăng cường đổi mới công tác truyền thông, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, gia đình, cá nhân về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước đến từng trường học, lớp học, thôn, xóm, tổ dân phố, gia đình; vận động gia đình, các bậc phụ huynh thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ tai nạn thương tích, đuối nước.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng tránh thương tích, đuối nước cho trẻ em Hà Tĩnh

Đồn Biên phòng Lạch Kèn (xã Xuân Liên, Nghi Xuân) phối hợp với Trường Tiểu học Xuân Lam tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước cho gần 200 cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường. (Ảnh tư liệu)

Thứ hai, triển khai sâu rộng việc trang bị kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, tổ chức mở nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em, học sinh; vận động, khuyến khích cha mẹ đưa con trẻ tham gia các khóa, lớp học bơi để các em có kỹ năng an toàn trong môi trường nước, phòng chống đuối nước.

Thứ ba, thường xuyên rà soát, kiểm tra các khu vực thường xảy ra tai nạn thương tích hoặc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước như tại các công trình chứa nước, sông hồ, ao suối, cống thoát nước… để kịp thời, chủ động có biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn như làm rào chắn, nắp đậy, lắp biển cánh báo, phân công lực lượng cảnh giới. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng tránh thương tích, đuối nước cho trẻ em Hà Tĩnh

Huyện đoàn Nghi Xuân cắm biển cảnh báo đuối nước tại thác nước Tràng Vưng ở thôn Nam Viên - xã Xuân Viên. Ảnh: tư liệu, chụp tháng 7/2019.

Thứ tư, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em. Chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương đối với các vụ việc gây tử vong trẻ em do tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước. Xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Thứ năm, bố trí, vận động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn để các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động phát huy năng khiếu, sở trường, phù hợp với từng lứa tuổi, tạo mọi điều điện để trẻ em được phát triển toàn diện.

Xin cảm ơn bà!

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast