Góp sức làm nên những tượng đài chiến thắng

(Baohatinh.vn) - Những ngày tháng giặc Mỹ đánh phá, nghe tiếng bom nổ là bước chân ông lại băng băng trên các ngọn đồi để xem hiện trường bị ảnh hưởng gì không để tìm cách khắc phục. Ông là Lâm Đức Chuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ.

Góp sức làm nên những tượng đài chiến thắng

Ông Chuân tự hào kể về những chiến công của quân và dân Thượng Lộc

Năm nay đã 93 tuổi, nhưng ông Chuân vẫn còn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Nhắc đến những năm tháng ác liệt tại Ngã ba Đồng Lộc, ký ức một thời trong ông lại trào dâng.

“Ngày 10/5/1968, khoảng 10h sáng, khi đang đứng trước cửa UBND xã Thượng Lộc, chúng tôi thấy 2 chiếc máy bay phản lực bắn 2 quả tia laze tại cầu Tùng Cốc và 2 quả bắn tại cầu Bạng. Tôi và ông Liêm, chủ tịch xã bấy giờ đã đi kiểm tra hiện trường. Đúng 3 giờ chiều ngày hôm đó, 2 chiếc máy bay đã thả 10 quả bom xuống cầu Bạng. Nghe bom nổ, chúng tôi đã cho 2 trinh sát dân quân là đồng chí Việt và đồng chí Liên đi kiểm tra. Đang lúc các đồng chí làm nhiệm vụ được giao thì chúng đánh tiếp đợt sau, 2 đồng chí Việt, Liên hy sinh ngay tại chỗ. Ngay tối hôm đó, tôi đã huy động nhân dân đi đắp lại đường để đảm bảo giao thông”, ông Chuân hồi tưởng.

Sau đợt thả bom ở cầu Tùng Cốc và cầu Bạng, giặc Mỹ lại liên tiếp tấn công các đợt khác. Giáp ranh Đồng Lộc, là địa phương có tuyến đường 15 đi qua, lại có nhiều cây cầu, nên Thượng Lộc trở thành một trong những mục tiêu trút bom của đế quốc Mỹ. Ông Chuân hồi ấy là Phó Chủ tịch UBND xã kiêm công an xã, chỉ huy khẩu pháo 12 ly 7 của dân quân tự vệ. Ông được giao nhiệm vụ cùng các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn và TNXP đảm bảo thông tuyến đường 15 để quân ta hành quân vào “tiếp sức” cho tiền tuyến miền Nam.

Góp sức làm nên những tượng đài chiến thắng

Cầu Tùng Cốc nối Thượng Lộc với Đồng Lộc hôm nay

Ông Chuân nhớ lại, không thể đếm được địch thả bao nhiêu quả bom xuống Thượng Lộc. Hồi đó, không tính nhiều hay ít mà chỉ để ý đếm tiếng bom nổ. Nghe để mà đến đó, vì chúng mà nổ là có chuyện. “Có lần, tôi đang báo cáo tại Chỉ huy sở đại đội chiến đấu thì bom đồng loạt nổ. Cầu Tùng Cốc bị đánh sập. Có một quả bom tấn rơi cách sở chỉ huy 5 m, rất may bom "xịt", nếu không thì không biết thương vong thế nào.”

Hồi ấy, bom Mỹ thả rất ác liệt. Như phản ứng tự nhiên, nghe bom nổ ở đâu, ông Chuân lại chạy về phía đó để nắm bắt tình hình. Chân không dép, tay không đèn pin trong đêm tối. Những bước chân trần của ông cứ thế băng qua những quả đồi. Ông còn nhớ như in hình ảnh 3 mẹ con ở xóm Đồng Thanh cùng chết trong hầm với tư thế một đứa được cõng sau lưng mẹ, một đứa ở dưới chân, còn một đứa trước ngực thì được thân mẹ che chở nên còn sống sót.

Loạt bom ấy, 2 xóm gần nhau có đến 14 người chết, xảy ra lúc 4h sáng. Nhiều người khiếp đảm không dám đến nên ông Chuân phải đứng ra lo cấp táng cho họ, xong xuôi trở về nhà thì đã đến 3h chiều.

Góp sức làm nên những tượng đài chiến thắng

Dù đã 93 tuổi nhưng ông Chuân vẫn đăng ký làm vườn mẫu với quyết tâm góp phần làm xanh tươi vùng "đất chết"...

“Năm 1968, có trận bom ở thôn Nam Phong vào lúc 9h tối làm cháy 5 nhà. Nghe bom nổ là tui chạy, chạy giữa rừng mua móc, không đèn đóm gì hết, vừa chạy vừa tránh bom bi nổ chậm, đến nơi tôi hét lớn: “Ai có chi trong nhà thì đưa ra hết không hắn sẽ đánh tan”. Tôi huy động 5 đội, mỗi đội phụ trách dập lửa một nhà. Có nồi niêu soong chảo chi là đưa ra múc nước ngoài đồng để dập lửa. Một tiếng sau thì tất cả những ngọn lửa đều được dập xong. Đến 1h sáng, 2 máy bay của địch lại rà đi rà lại thăm dò. May mà đã dập được lửa, chúng không còn nhìn thấy mục tiêu…”, ông Chuân hồi tưởng.

Một trong những kỷ niệm mà ông Chuân nhắc nhiều nhất đó là lần ông cứu chiếc xe của đơn vị bộ đội đi qua, năm 1968. Chiếc xe không may bị chúc đầu xuống cầu Đôi và nằm ngay giữa cầu. Chính ủy sau khi nắm tình hình đã đề nghị hủy chiếc xe để giải phóng đoàn xe. “Thấy vậy, tôi huy động được 100m dây tời, ra lệnh cho 2 chiếc xe tời xe bị sập lên khỏi cầu. Đồng chí lái xe ôm chầm lấy tôi: “May có anh nếu không em sẽ bị kỷ luật”. Đồng chí Chính ủy nói: “Thành tích của đồng chí rất to lớn. Nếu ở chiến trường là một chiến công đột xuất”.

Ông Chuân tâm tình: Người dân Thượng Lộc hồi ấy còn thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng họ sẵn sàng gánh gồng khoai sắn, bầu bí lên chia cho bộ đội, thanh niên xung phong, tiếp sức cho họ chiến đấu, sẵn sàng lên núi cả đêm, cả ngày để chặt mua móc, cây dại mang về lót đường cho xe qua… Họ đã cùng góp sức làm nên những tượng đài chiến thắng.

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast