Làm rõ đối tượng cần trợ giúp pháp lý trong KKT Vũng Áng

(Baohatinh.vn) - Làm rõ đối tượng được trợ giúp, xây dựng hình thức tuyên truyền cụ thể, phối hợp với các ngành liên quan… là những ý kiến trọng tâm được các đại biểu đề xuất tại buổi tọa đàm góp ý dự thảo “Đề án trợ giúp pháp lý cho công nhân và nhân dân khu kinh tế Vũng Áng, giai đoạn 2017-2020” vào sáng 18/4.

lam ro doi tuong can tro giup phap ly trong kkt vung ang

Sau 10 năm, KKT Vũng Áng đang dần hình thành trung tâm công nghiệp, thương mại và đô thị của khu vực với gần 500 DN hoạt động, 115 dự án và 15.681 người lao động. Nhìn chung, công nhân và nhân dân KKT Vũng Áng ngày càng năng động, sáng tạo, phát huy tính chủ động trong các hoạt động; góp phần tích cực cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, sự phát triển "nóng" của KKT đã phát sinh, kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến ANTT. Một bộ phận người dân, công nhân chưa bắt kịp với sự phát triển sôi động, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế dẫn đến tình trạng phạm pháp, sa vào các tệ nạn xã hội.

lam ro doi tuong can tro giup phap ly trong kkt vung ang

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lê Thành Đông: Phân định rõ đối tượng nào cần tuyên truyền và đối tượng nào cần bổ trợ pháp lý, để có đánh giá khách quan, cụ thể. Đối với đối tượng người nước ngoài chỉ nên tập trung vào hỗ trợ, tuyên truyền pháp luật. Riêng phần mục tiêu chung của đề án chưa nhắc đến bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, tại địa bàn KKT đã xảy ra 127 vụ án hình sự, trong đó tập trung ở một số tội danh như cướp tài sản, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, vi phạm luật lao động… Tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi. Đặc biệt, sau sự cố môi trường, một số phần tử xấu đã xúi giục, lôi kéo công nhân và nhân dân khiếu kiện, khiếu nại kéo dài. KKT Vũng Áng vì vậy ngày càng phức tạp, đòi hỏi công tác TGPL, bảo vệ pháp luật ngày càng cao.

Vì vậy, việc xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án TGPL cho công nhân và nhân dân KKT Vũng Áng giai đoạn 2017-2022” là cần thiết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đề xuất xem xét đối tượng được trợ giúp phù hợp với quy định của luật TGPL, rà soát lại các đối tượng; phân định rõ các khái niệm TGPL và hỗ trợ pháp lý; phân định rõ giữa đối tượng cần tuyên truyền và bổ trợ pháp lý; phải có hình thức tư vấn, tuyên truyền cụ thể, đặc biệt đối với các đối tượng người nước ngoài…

Kết thúc tọa đàm, lãnh đạo Sở Tư pháp tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp để kịp thời tổng hợp, điều chỉnh xây dựng đề án có tính khả thi cao, góp phần nâng cao chất lượng công tác TGPL trong thời gian tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast