Những nữ anh hùng bình dị giữa đời thường

(Baohatinh.vn) - Sự hy sinh, cống hiến lặng thầm của những người phụ nữ trên các mặt trận là “nốt nhạc” góp phần viết nên bản hùng ca chiến thắng. Hôm nay, họ lại đang lặng lẽ góp sức mình cho xã hội. Họ là những người anh hùng trong chiến đấu, bình dị giữa đời thường.

“Người con gái Sông La” La Thị Tám: Tôi là người may mắn

Những tháng ngày ở tọa độ chết Ngã ba Đồng Lộc 1968, chị La Thị Tám đã cùng với TNXP và các lực lượng bộ đội, giao thông cắm chốt nơi này. Nhiệm vụ của chị là đứng trên núi Mòi, đếm số lượng bom trút xuống để cắm tiêu đánh dấu cho công binh đến xử lý.

nhung nu anh hung binh di giua doi thuong

Với chiếc ống nhòm nhỏ, mỗi ngày, chị La Thị Tám lại như con thoi chạy lên đồi căng mắt dõi theo từng quả bom. Suốt 200 ngày đêm ròng rã, chị đã đếm và cắm tiêu được 1.205 quả bom. Cuối năm 1969, chị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi tuổi tròn đôi mươi. “Với thế hệ chúng tôi, điều quan trọng nhất là được góp sức mình để giải phóng quê hương chứ không hề nghĩ đến sự sống và cái chết. Tôi chỉ là một trong những trường hợp may mắn mà thôi” – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Thị Tám chia sẻ.

Sau thời gian chuyển ngành về công tác tại cơ quan Dân chính Đảng Hà Tĩnh (nay là Đảng bộ khối Các cơ quan tỉnh) rồi nghỉ hưu, giờ đây, Anh hùng La Thị Tám vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội và thường xuyên cập nhật những thông tin trên báo Đảng để kịp thời tuyên truyền, phổ biến cho bà con tổ dân phố. Nụ cười đôn hậu và “đôi mắt trong tựa ngọc” vẫn lấp lánh trên gương mặt người nữ anh hùng.

Tổng đội phó Tổng đội 55 TNXP - Thái Thị Cương: Luôn nhớ về đồng đội

Với nữ TNXP Thái Thị Cương - nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng đội phó Tổng đội 55 Ngã ba Đồng Lộc, ấn tượng về lần được gặp Bác Hồ vào năm 1967 là kỷ niệm đẹp theo suốt cuộc đời bà. Nhớ lời Bác dặn: “Thế hệ thanh niên hôm nay được học hành giỏi hơn, được trang bị đầy đủ hơn trước nên các cháu phải noi gương thế hệ đi trước, cố gắng hơn nữa để giành độc lập cho nước nhà”. Ở bất cứ cương vị nào, từ đội viên, C phó 554, C trưởng C5 đến Bí thư Đảng ủy - Tổng đội phó Tổng đội 55, bà luôn nêu cao vai trò gương mẫu, chỉ huy lực lượng kiên cường bám mặt trận, hạn chế thấp nhất tổn thất về xương máu.

nhung nu anh hung binh di giua doi thuong

Những bằng khen của Chính phủ và những tấm huân, huy chương ghi nhận nỗ lực trong quá trình công tác, cuộc sống gia đình đầm ấm cũng không thể lấp đầy khoảng trống trong suy nghĩ của bà về những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường Ngã ba Đồng Lộc. Chính vì thế, ngoài việc vận động quyên góp ủng hộ, tổ chức thăm lại gia đình đồng đội cũ, bà cũng đã thăm lại chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội. Tuổi cao, sức yếu nhưng bà vẫn duy trì mỗi năm một lần vào ngày 8/11 cùng đồng đội về lại chiến trường xưa để tổ chức lễ giỗ các anh hùng liệt sỹ TNXP C5.

Tiểu đội trưởng nữ dân quân núi Nài - Lê Thị Yên: Gắn bó suốt đời với quê hương

Đã bước sang tuổi 80 nhưng với bà Lê Thị Yên - cựu Trung đội trưởng Trung đội Dân quân tự vệ núi Nài, Tiểu đội trưởng nữ dân quân vẫn vẹn nguyên ký ức của trận đánh ngày 26/3/1965.

nhung nu anh hung binh di giua doi thuong

Dân quân xã Đại Nài. Ảnh tư liệu

“Để đánh tan âm mưu của địch, quân ta đã di chuyển hệ thống ra-đa trên núi Nài đến nơi an toàn, dựng ra-đa giả nhằm nhử máy bay Mỹ, đồng thời, tổ chức một trận địa hỏa lực gồm lực lượng pháo cao xạ, súng bộ binh quanh núi và khu vực thị xã Hà Tĩnh để đón đánh địch khi chúng vào đánh phá. Từ đêm 24/3 đến 12h trưa ngày 25/3, trạm ra-đa giả đã hoàn tất, cả thị xã nín thở từng giờ chờ địch đến. Tiểu đội của chúng tôi được giao nhiệm vụ phối hợp đánh địch, bảo vệ núi Nài”. Sự dũng cảm của các cô gái trên trận địa, trong từng trận đánh đã góp phần cùng quân và dân Hà Tĩnh bắn rơi 12 máy bay ngay trong trận đầu tiên.

nhung nu anh hung binh di giua doi thuong

Trở về với đời thường, người tiểu đội trưởng nữ dân quân tự vệ năm xưa lại gương mẫu đi đầu trong việc vận động bà con chung sức xây dựng tổ dân phố văn minh. 20 năm làm tổ trưởng tổ liên gia, bà không chỉ góp phần vận động bà con tổ dân phố thực hiện tốt các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực trong công tác hòa giải mà còn là người tiên phong trong việc quyên góp xây dựng tuyến mương thoát nước trên địa bàn để đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư.

Y tá Trần Thị Sâm: Là y tá, thấy người bị thương thì tiến hành băng bó

Năm 1972, khoảnh khắc nữ y tá Trần Thị Sâm với gương mặt phúc hậu đang băng bó vết thương cho một phi công người Mỹ được nhà nhiếp ảnh Từ Tiện ghi lại đã xuất hiện trên nhiều tờ báo. Bức ảnh người phụ nữ Việt Nam tận tình chăm sóc cho kẻ đi gieo tội ác trở thành một thông điệp, làm nên biểu tượng của lòng nhân đạo, nhân ái sâu sắc.

nhung nu anh hung binh di giua doi thuong

Nhớ về khoảnh khắc làm nên bức ảnh này, cựu y tá Trần Thị Sâm cho biết: “Đó là khoảng 10h ngày 19/5/1972, một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi lao ra phía biển. Viên phi công nhảy dù xuống vùng đất giáp ranh giữa Thạch Môn và Thạch Quý. Huyện Thạch Hà đã cử một tổ công tác gồm 5 người, trong đó có tôi xuống địa bàn để bắt phi công. Sau hơn 1 giờ bò theo từng vồng khoai để tránh đạn từ các máy bay đến ứng cứu, chúng tôi đã bắt được tên phi công Mỹ giải vào nhà dân. Là một y tá, thấy người bị thương nên tôi đã tiến hành băng bó, chứ không biết rằng khoảnh khắc ấy đã lọt vào ống kính”.

6 năm sau, y tá Sâm mới được nhiều người biết đến. Bức ảnh đã được nhiếp ảnh gia Từ Tiện tổ chức đấu giá tại Sài Gòn để lấy kinh phí làm từ thiện.

Nữ y tá xinh đẹp ngày ấy giờ đã bước sang tuổi 75. Sự đảm đang, tháo vát, hay lam hay làm của bà đã góp công to lớn trong việc cùng chồng nuôi dạy con cái trưởng thành. Không chỉ là tấm gương mẫu mực cho con cháu học tập, noi theo, bà còn là một trong những điển hình trong việc phát triển chăn nuôi được bà con địa phương tín nhiệm, học tập.

“O du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai: Dạy cháu con niềm tự hào dân tộc

Từ khoảnh khắc bấm máy của nhà báo Phan Thoan (phóng viên Báo Hà Tĩnh) vào ngày 20/9/1965, bức ảnh “O du kích nhỏ” đã làm nên tên tuổi của ông và nhân vật.

nhung nu anh hung binh di giua doi thuong

O du kích nhỏ dương cao súng/Thằng mỹ lênh khênh bước cúi đầu. Ảnh tư liệu

Với bà Nguyễn Thị Kim Lai, khoảnh khắc đó cũng đã trở thành kỷ niệm khó phai trong đời. Đó là khoảng 11h trưa ngày 20/9/1965, hàng chục chiếc máy bay từ hướng Đông đổ nhào bắn phá. Một chiếc F105 bị trúng đạn bốc cháy, viên phi công nhảy dù xuống giữa rừng núi Hương Khê. Sợ phi công vượt biên nên lực lượng dân quân, bộ đội đã quyết tâm vượt qua lửa đạn, truy lùng ráo riết.

Bà Lai nhớ lại: “Lúc trời nhá nhem tối, thấy trong một hốc đá có tiếng động, tôi tiến lại gần và phát hiện ra viên phi công đang ẩn nấp trong đó. Chưa nhìn được mặt, nhưng tôi bắn 3 phát súng chỉ thiên. Viên phi công đó giơ 2 tay xin hàng, cùng lúc ấy, mọi người chạy đến. Thấy tôi nhỏ tuổi nhất lại là người phát hiện ra phi công nên mọi người giao luôn cho tôi việc áp giải lên huyện”.

nhung nu anh hung binh di giua doi thuong

Chiến tranh kết thúc, sau những năm tháng cống hiến trong ngành y, bà Lai nghỉ hưu và sống cùng gia đình trong ngôi nhà nhỏ ở phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh). Bà say mê tìm tòi, nghiên cứu các bài thuốc chữa các bệnh về gan giúp đỡ mọi người. Những năm gần đây, sau nỗi đau mất đi người chồng, sức khỏe giảm sút, bà đành từ bỏ nghề thuốc và đỡ đần các con chăm sóc gia đình. Niềm vui tuổi già hôm nay của bà chính là giúp các con dạy dỗ, giải đáp những thắc mắc, tò mò của trẻ nhỏ qua bức ảnh và những tư liệu đã đi vào lịch sử. Câu chuyện xung quanh bức ảnh không chỉ giúp bà nhớ lại những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua mà còn góp phần vun đắp niềm tự hào dân tộc cho lớp cháu con.

(Ghi)

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast