Trở về từ trại thương binh nặng, thành lập doanh nghiệp "ăn nên làm ra"

(Baohatinh.vn) - Tuy bị thương tật 86%, nhưng ông Phạm Quang Tiến - thương binh hạng ¼ (thôn Đông Xá, xã Đức Hòa, Đức Thọ, Hà Tĩnh) vẫn vươn lên thành chủ doanh nghiệp tiêu biểu; đồng thời, dành nhiều tâm huyết cùng người dân và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động phục vụ lợi ích cộng đồng.

Trở về từ trại thương binh nặng, thành lập doanh nghiệp “ăn nên làm ra”

Thương binh Phạm Quang Tiến

Năm 1974, chàng thanh niên Phạm Quang Tiến lên đường nhập ngũ. Với ý chí kiên cường, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên 20 tuổi ấy luôn có mặt trên tuyến đầu chiến trường Miền Nam năm 1975, chiến trường Campuchia năm 1979.

Những “vết tích” của chiến tranh, vì thế, cũng theo ông đến tận ngày hôm nay. 5 mảnh kim khí hiện vẫn còn trong cơ thể, 1 đầu đạn nằm ở đùi phải, thận bị mất 1 quả, dạ dày bị cắt mất 1/3. Với tỷ lệ thương tật 86%, mỗi khi “trái gió trở trời”, những cơn đau lại ập đến khiến ông kiệt sức.

Năm 1993, sau khi điều trị một thời gian tại Trại Điều dưỡng thương binh 4 - tỉnh Nghệ An, ông Tiến xin về an dưỡng tại quê nhà. Từ đó, cuộc sống của gia đình ngày càng vất vả hơn. Là thương binh ¼, những công việc nặng đều quá sức với ông, tiền thuốc men hằng tháng, tiền cho con ăn học đều phụ thuộc vào đồng phụ cấp ít ỏi và vài ba sào ruộng phía sau nhà.

Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với ý chí và nghị lực được tôi luyện từ những tháng năm trong môi trường quân đội, thương binh Phạm Quang Tiến quyết tâm vươn lên, tìm hướng đi mới để thoát nghèo. Năm 1999, ông quyết định thành lập doanh nghiệp Công Tiến, chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng.

Trở về từ trại thương binh nặng, thành lập doanh nghiệp “ăn nên làm ra”

Doanh nghiệp Công Tiến 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ nộp thuế, được Cục Thuế Hà Tĩnh khen thưởng năm 2018.

“Khi có ý tưởng thành lập doanh nghiệp, vốn liếng không có gì trong tay. Với 200 triệu vay ngân hàng, cộng thêm sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân, tôi mới có thể ổn định những bước đầu để tập trung kinh doanh”- Ông Tiến chia sẻ.

Hơn 20 năm kể từ ngày đi vào hoạt động, vượt qua những khó khăn ban đầu, doanh nghiệp của ông ngày càng phát triển, kinh tế gia đình nhờ đó ngày một cải thiện hơn. Ngoài việc hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho các lao động có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, Công Tiến là một trong những doanh nghiệp 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ nộp thuế (2013 - 2017), được Cục thuế Hà Tĩnh tặng bằng khen và kỷ niệm chương năm 2018.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, thương binh Phạm Quang Tiến còn được nhiều người yêu mến bởi lối sống tình cảm, nhiệt tình. Bà Lê Thị Chương, một người dân thôn Đông Xá cho biết: “Với bà con làng xóm, ông Tiến sống rất có tình, có nghĩa. Gia đình nào trong thôn, trong xã ốm đau, hoàn cảnh, ông đều tới động viên, thăm hỏi tận tình. Nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn chuẩn bị xây nhà, ông cũng hỗ trợ luôn cát, sỏi... không tính toán thiệt hơn”.

Trở về từ trại thương binh nặng, thành lập doanh nghiệp “ăn nên làm ra”

Tuyến đường trục thôn Đông Xá dài hơn 1km, được doanh nghiệp tư nhân Công Tiến hỗ trợ xây dựng

Bên cạnh việc hỗ trợ các gia đình hoàn cảnh khó khăn, doanh nghiệp của ông còn tích cực đóng góp vào các phong trào xã hội, phục vụ lợi ích cộng đồng. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp tư nhân Công Tiến đã hỗ trợ trên 100 triệu đồng, chung tay cùng chính quyền và người dân xã Đức Hòa xây dựng đường giao thông nông thôn, hỗ trợ nguyên vật liệu giúp củng cố khuôn viên, xây dựng nhà văn hóa, hoàn thiện cơ sở vật chất ở các thôn.

Ông Lê Tiến Thắng - Chủ tịch UBND xã Đức Hòa cho biết: “Mặc dù là thương binh hạng 1, nhưng ngay từ những ngày đầu về địa phương, ông Phạm Quang Tiến luôn nỗ lực, vươn lên, vừa phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, vừa có những đóng góp tích cực cho các phong trào đoàn thể. Ông Tiến là một trong những ví dụ điển hình về tấm gương sáng thương binh tàn nhưng không phế”.

Chủ đề NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast