Trung tâm học tập cộng đồng (bài 2): Cần gì học nấy

(Baohatinh.vn) - Cần gì học nấy, học cái đang cần, học để làm ngay là phương châm xây dựng một xã hội học tập. Đó là giải pháp hữu hiệu để phát huy vai trò của các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ).

>> Bài 1: “Hữu danh vô thực”?!

Kiện toàn bộ máy trung tâm hỗ trợ cộng đồng

Trong số 25% trung tâm HTCĐ được đánh giá là hoạt động tốt, thì Can Lộc được xem là một trong những điển hình với tổng số 471 chuyên đề cho gần 65.000 lượt người dân tham gia học tập trong năm qua.

Thầy Võ Đức Đại - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc cho biết: “Thời gian qua, Can Lộc đã kiện toàn BCĐ xây dựng trung tâm HTCĐ các cấp. Cùng với việc trích một phần ngân sách địa phương hỗ trợ mỗi trung tâm 3 triệu đồng/năm, huyện cũng đã bổ nhiệm các phó chủ tịch xã làm giám đốc trung tâm, tăng cường 23 giáo viên (GV) biệt phái và xây dựng quy định chức năng nhiệm vụ cụ thể cho các GV. Điều này đã tạo nên sức sống mới cho các trung tâm HTCĐ”.

Trung tâm học tập cộng đồng (bài 2): Cần gì học nấy ảnh 1

Các học viên thực hành làm bánh ngay sau lớp tập huấn do Hội LHPN tổ chức.

Phương châm: Cần gì học nấy, học cái đang cần, học để làm ngay được vận dụng triệt để đã làm thay đổi nhận thức của người dân xã Tiến Lộc (Can Lộc) về trung tâm HTCĐ. Anh Nguyễn Đình Thành - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Bằng sự năng động của GV biệt phái trong việc khâu nối giữa các tổ chức đoàn thể điều tra nhu cầu học tập của người dân, tư vấn, xây dựng kế hoạch hàng năm cho ban giám đốc nên năm nay, Trung tâm HTCĐ xã đã mở được 5 chuyên đề, 18 lớp tập huấn các kiến thức về khoa học & công nghệ, môi trường, pháp luật, chăn nuôi, thú y… cho 1.700 lượt người dân tham gia. Ngoài ra, trung tâm còn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về tầm quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Tiến Lộc hoàn thành 18/19 tiêu chí nông thôn mới (tiêu chí chợ không phải thực hiện)”.

Trong năm qua, Trung tâm HTCĐ xã Thường Nga (Can Lộc) đã huy động được 144 triệu đồng, mở 21 chuyên đề, 22 lớp học về chủ trương, chính sách, pháp luật; khuyến nông, khuyến công, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, thể dục dưỡng sinh, bơi lội, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm… cho gần 2.000 lượt người dân.

Thầy Phan Đình Trí - GV biệt phái của trung tâm cho biết: “Điều quan trọng là giáo trình và môi trường mở lớp phải sát dân, sát môi trường sản xuất. Có thể mở lớp tại nhà văn hóa thôn, tại bờ ao, bờ ruộng hay trang trại đồi rừng… Cốt là ai học, bao nhiêu người học và học cái gì cho thiết thực, bổ ích”.

Xây dựng xã hội học tập suốt đời

Việc xây dựng xã hội học tập, phát huy vai trò của các trung tâm HTCĐ để tạo cơ hội và điều kiện cho mỗi công dân đều được học tập suốt đời là vô cùng cần thiết.

Tại xã Kỳ Tiến (Kỳ Anh), mô hình xã hội học tập suốt đời được thể hiện qua việc phát triển mạng lưới rộng rãi các câu lạc bộ, các tổ học tập cộng đồng. Cụ thể, mỗi thôn, xóm đều đã thành lập từ 3-4 tổ học tập cộng đồng; mỗi tổ có từ 15-20 hộ. Tổ học tập cộng đồng đồng thời cũng là tổ khuyến học, tổ liên gia tự quản, tổ thực hành dân chủ cơ sở, tổ xây dựng gia đình văn hóa, tổ bảo vệ môi trường…

Nhiệm vụ cơ bản của tổ là nắm danh sách con em trong độ tuổi đi học, theo dõi, giúp đỡ, giám sát, đánh giá kết quả rèn luyện của con em và theo dõi việc học tập của các thành viên, đồng thời, tổ chức các hình thức học tập và thực hành tại nhà, tại tổ; động viên các thành viên tham gia các chương trình học tập ở câu lạc bộ, các lớp tập huấn của trung tâm... Ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đánh giá: “Mô hình xây dựng xã hội học tập ở Kỳ Tiến là giải pháp để phát huy hiệu quả của trung tâm HTCĐ”.

Cũng cách làm ấy, thời gian qua, Can Lộc đã chỉ đạo các cấp cơ sở xây dựng thí điểm 241 mô hình gia đình học tập, 41 dòng họ học tập, 49 cộng đồng học tập.

Mặc dù một số tỉnh như Thanh Hóa, Ninh Bình… đã triển khai thực hiện rất có hiệu quả, nhưng với tỉnh ta, việc học tập tại các trung tâm HTCĐ còn hết sức mới mẻ đối với đông đảo người dân. Điều đáng nói, toàn tỉnh vẫn còn thừa trên 1.000 GV, nhưng việc tăng cường GV biệt phái về trung tâm HTCĐ mới chỉ được thực hiện ở 2/13 huyện, thành, thị. Chính vì thế, để phát huy hiệu quả của trung tâm HTCĐ, điều quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm vào cuộc thực sự của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast