Trung tâm học tập cộng đồng (Bài 1): “Hữu danh vô thực”?!

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh hiện có 262/262 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ). Không thể phủ nhận hệ thống các trung tâm này đã cung cấp, bổ sung kiến thức giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thực tế các trung tâm hoạt động không hiệu quả, một số trung tâm hoạt động "cầm chừng”.

Trung tâm học tập cộng đồng (Bài 1): “Hữu danh vô thực”?! ảnh 1

Thiếu giáo viên biệt phái nên Trung tâm Học tập cộng đồng thôn Nam Trà (Hương Trà - Hương Khê) chưa thể phát huy được hiệu quả hoạt động.

Hữu danh…

Trung tâm HTCĐ xã Xuân Liên (Nghi Xuân) là một ví dụ. Được thành lập từ năm 1993 nhưng mỗi năm trung tâm cũng chỉ tổ chức một vài hoạt động theo chương trình tập huấn. Chị Trần Thị Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Liên cho biết: Hoạt động của trung tâm HTCĐ không đồng đều, trung bình mỗi năm 3 cuộc. Xã có phát nội dung qua loa truyền thanh và tờ rơi cho bà con theo dõi nhưng lâu lâu mới tổ chức nên chưa tạo thành thói quen, ý thức tự giác.

Ở Thạch Hà, theo ông Hoàng Phúc - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện: Các tổ chức, đoàn thể địa phương mở các lớp tập huấn theo lĩnh vực của mình nhưng gần như không qua trung tâm. Ai cũng nhận ra vai trò, tầm quan trọng của trung tâm HTCĐ nhưng không mấy quan tâm.

Trong những năm đầu thành lập, không ít trung tâm HTCĐ đã phát huy hiệu quả, nhưng sau đó không thu hút được người học vì nội dung hoạt động trùng lặp, không đáp ứng được sự thay đổi trong nhu cầu học tập của cộng đồng. Hàng năm, các trung tâm đều mở các lớp tập huấn, đào tạo nhưng chưa có sự khảo sát nhu cầu để đảm bảo “dân cần gì học nấy”, để mô hình trung tâm HTCĐ thực sự là “trường học của nhân dân”.

Ông Ngụy Khắc Phúc - Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập xã Xuân Viên (Nghi Xuân) cho rằng: Các nguồn tài liệu, sách, báo… là phương tiện rất cần thiết phục vụ người dân nhưng còn nghèo nàn, thiết chế phục vụ cho việc học chưa được khai thác triệt để, việc quản lý, sử dụng chưa hình thành nền nếp cũng là những bất cập cản trở quá trình hoạt động của trung tâm HTCĐ.

Trung tâm học tập cộng đồng (Bài 1): “Hữu danh vô thực”?! ảnh 2

Tập huấn về giới trong phát triển nông nghiệp tại TTHTCĐ xã Đức Long (Đức Thọ)

“Tay không” hoạt động

Theo quy định từ Thông tư 96/2008 của Bộ Tài chính, Nhà nước hỗ trợ 1 lần kinh phí ban đầu tối thiểu là 30 triệu đồng/trung tâm; hỗ trợ kinh phí thường xuyên được quy định do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định tùy thuộc vào điều kiện KT-XH, khả năng ngân sách của địa phương và nguồn kinh phí sự nghiệp GD&ĐT và dạy nghề hàng năm. Đối với trung tâm HTCĐ thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi (theo quy định tại Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006), mỗi năm hỗ trợ kinh phí tối thiểu 20-25 triệu đồng/trung tâm tùy theo khu vực. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh chưa có trung tâm nào được nhận khoản hỗ trợ này. Để hoạt động, các trung tâm tự thân vận động bằng nguồn liên kết dự án hoặc dự án đoàn thể.

Cùng với thiếu kinh phí, thực trạng chung của hầu hết các trung tâm là hoạt động lúng túng bởi thiếu giáo viên biệt phái sang làm việc theo quy định. Thông tư 40/2010 của Bộ GD&ĐT quy định về việc xem xét quyết định việc bố trí giáo viên tiểu học hoặc THCS làm việc tại trung tâm HTCĐ, nhưng mặc cho việc giáo viên các cấp học dôi dư thì việc điều chuyển sang hoạt động tại các trung tâm vẫn đang “ì ạch”. Hiện toàn tỉnh có đến 10/13 huyện, thị chưa có kế hoạch bố trí giáo viên.

Cùng với đó, giám đốc trung tâm chủ yếu do bí thư, chủ tịch UBND xã hoặc phó chủ tịch UBND xã đảm nhiệm, chưa được đào tạo về quản lý giáo dục, trong khi đó, trung tâm HTCĐ là một mô hình giáo dục mới, vì thế, họ còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Hơn nữa, vai trò của UBND cấp xã chưa được thể hiện rõ trong xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả của trung tâm HTCĐ.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh - Phó trưởng ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập Trần Thanh Bình cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động yếu kém của các trung tâm HTCĐ, trước hết là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các địa phương về trung tâm HTCĐ chưa sâu sắc, việc chỉ đạo chưa sát sao. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa ngành giáo dục, cấp ủy, chính quyền và hội khuyến học còn lỏng lẻo, vai trò của cơ quan chủ quản còn mờ nhạt. Công tác tuyên truyền để người dân cũng như chính quyền các cấp, đoàn thể nhận thức rõ về mục đích, tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của mô hình trung tâm HTCĐ ở các địa phương chưa được chú trọng, thiếu lồng ghép.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast