“Xếp hàng” chờ máy khoan giếng chống hạn ở Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Vùng thượng Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang chịu đựng một mùa hạn hán chưa từng có. Hàng chục chiếc máy khoan trên toàn huyện đang phát huy hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu.

“Xếp hàng” chờ máy khoan giếng chống hạn ở Kỳ Anh

Một góc vườn chè đã bị khô cháy của gia đình anh Nguyễn Văn Tịnh ở thôn Đất Đỏ (xã Kỳ Trung)

Sau hơn 2 tháng nắng hạn liên tục, 5 sào chè trên 10 năm tuổi của gia đình anh Nguyễn Văn Tịnh ở thôn Đất Đỏ (xã Kỳ Trung) đã gần như bị thiêu rụi.

Nóng ruột vì nguồn thu nhập chủ yếu hàng năm có thể bị mất trắng, anh Tịnh tức tốc gọi thuê thợ về khoan giếng để cứu lấy những diện tích có thể phục hồi. Tuy nhiên, phải mất đến trên 2 tuần “xếp hàng” mới đến lượt. Trong khi đó nhu cầu tưới cứu chè tính bằng ngày.

“Với tổng chi phí cho một giếng khoan trên 14 triệu đồng, ban đầu vợ chồng đều chần chừ không muốn thuê máy, với hy vọng có mưa để bớt khó khăn, tuy nhiên càng chờ, chè càng héo rũ và chết từng ngày. Đến khi hoảng quá phải đi gọi máy thì vô cùng khó khăn, bởi hiện tại ai cũng như mình cả" - anh Nguyễn Văn Tịnh cho biết.

Mặc dù đã khoan được giếng tưới nhưng trên 3 sào chè của anh đã bị mất trắng, số còn lại cũng bị hư hại và rất lâu mới có thể hồi phục.

“Xếp hàng” chờ máy khoan giếng chống hạn ở Kỳ Anh

Nhu cầu khoan giếng chống hạn cho cây trồng tăng đột biến trong những ngày nắng nóng

Xã Kỳ Trung có trên 392 hộ trồng chè với tổng diện tích trên 160 ha. Ngoại trừ 30 hộ đã lắp đặt hệ thống tưới kể từ năm 2019 trở về trước với diện tích trên 10 ha, phần lớn số còn lại đang phải chờ nước trời.

Đến thời điểm này, toàn xã Kỳ Trung đã khoan được gần 100 giếng và nhu cầu vẫn chưa dừng lại, nhiều hộ trồng chè đang phải “xếp hàng” chờ thợ khoan trong lúc nhiều diện tích chè đang chết dần.

Không chỉ ở Kỳ Trung, đợt nắng hạn này đã và đang từng ngày khiến hàng trăm hecta chè và cây ăn quả của các xã vùng thượng Kỳ Anh bị thiệt hại nặng nề. Theo đó, nhu cầu khoan giếng chống hạn cũng tăng cao.

Điều đáng nói, do giá khoan giếng khá cao so với thu nhập nên nhiều người không dám đầu tư; thứ nữa là tâm lý chờ trời với hy vọng sẽ có mưa sớm để giảm chi phí. Chính vì vậy, khi cây trồng bắt đầu vào giai đoạn héo rũ và chết hàng loạt thì mới chạy đôn chạy đáo gọi thợ nên đã xảy ra tình trạng “cháy máy khoan”.

“Xếp hàng” chờ máy khoan giếng chống hạn ở Kỳ Anh

Máy thổi hơi công suất lớn trong hệ thống máy khoan giếng của ông Nguyễn Tiến Toản (xã Kỳ Tây)

Theo tính toán sơ bộ, hiện nay huyện Kỳ Anh có trên 30 chiếc máy khoan giếng, trong đó 10 máy hơi có công suất lớn. Đối với máy khoan hơi, khoan trong thời gian 2-3 ngày sẽ xong 1 giếng. Những ngày qua, mặc dù số máy hiện có đã hoạt động hết công suất nhưng danh sách người đăng ký vẫn còn dài.

Từ đầu năm đến nay, đặc biệt là những tháng nắng hạn, ông Nguyễn Tiến Toản, chủ máy khoan công suất lớn ở xã Kỳ Tây như con thoi, đi về giữa các xã vùng thượng, làm không có được một ngày nghỉ vì nhu cầu của bà con quá lớn.

Đến thời điểm này, tổ thợ của ông đã khoan được trên 70 giếng, chưa kể nhiều nơi khoan cả mấy mũi nhưng không có nước.

“Xếp hàng” chờ máy khoan giếng chống hạn ở Kỳ Anh

Gia đình ông Phạm Ngọc Hải ở thôn Lạc Vinh, xã Kỳ Lạc (người bên trái) thuê thợ khoan với độ sâu trên 40m nhưng không tìm thấy nguồn nước. Vì vậy, gia đình ông phải đi xin nước ở xóm bên về sử dụng.

Ông Toản chia sẻ: “Gần 20 năm làm nghề, đây là năm đầu tiên có cường độ nắng mạnh và kéo dài như năm nay. Mặc dù vất vả do phải làm việc nặng nhọc liên tục trong điều kiện nắng nóng, nhưng nhìn những đồi chè, vườn cây ăn quả chết dần từng ngày, anh em cũng động viên nhau cố gắng đến mức cao nhất”.

Còn anh Nguyễn Thành Tâm (xã Lâm Hợp), mới bước vào nghề khoan giếng từ đầu tháng 7/2020 cho biết, nhận thấy nhu cầu của người dân tăng vọt nên quyết định đầu tư máy thổi hơi công suất lớn. Đến thời điểm này, anh đã khoan được trên 10 giếng; đang chuẩn bị đầu tư thêm 1 máy nữa để phục vụ bà con.

Để bảo vệ thành quả sản xuất, người trồng cây ăn quả và trồng chè trên địa bàn, người dân ở các địa phương trên địa bàn huyện đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp chống hạn, trong đó có việc khoan giếng, đào hồ, lắp đặt hệ thống tưới.

Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài và khốc liệt nên toàn huyện có 294 ha chè bị hạn/tổng số diện tích 421ha, trong đó 4,3 ha đã bị chết; có 150 ha/tổng số 750 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng do hạn hán.

Ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast