Người dân “vựa chè” Kỳ Anh tập trung chống hạn cho cây trồng

(Baohatinh.vn) - Rút kinh nghiệm từ hàng chục ha chè bị chết do nắng hạn năm 2019, năm nay, người dân ở “vựa chè” Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đầu tư hệ thống tưới hiện đại để bảo toàn diện tích.

Video: Người trồng chè Kỳ Trung tập trung chống hạn cho cây chè

Gia đình anh Hoàng Trọng Hội ở thôn Bắc Sơn (xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có gần 5 sào chè trồng mới bước sang tuổi thứ 2. Do xa nguồn nước, mùa hạn 2019, mặc dù đã tận dụng tối đa nguồn nước từ giếng đào để tưới cho chè với rất nhiều công sức bỏ ra nhưng cây chè vẫn bị thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến giai đoạn sinh trưởng và phát triển.

Người dân “vựa chè” Kỳ Anh tập trung chống hạn cho cây trồng

Trong mùa nắng hạn 2020, xã Kỳ Trung có 30 hộ chủ động đầu tư hệ thống tưới tự động.

Năm nay được thôn, xã tuyên truyền và được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Nhà máy chè, anh mạnh dạn đầu tư 24 triệu đồng khoan giếng và lắp đặt hệ thống tưới bằng bét tưới phun mưa. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích chè của anh đã được tưới bằng hệ thống tưới tự động hiện đại, giải quyết triệt để nguy cơ cây chè bị cháy, kể cả khi nắng hạn kéo dài.

Người dân “vựa chè” Kỳ Anh tập trung chống hạn cho cây trồng

Vợ chồng anh Hội tự lắp đặt hệ thống tưới cho chè.

Anh Hội cho biết: “Nguồn nước giếng khoan gần như không bị cạn kiệt; hệ thống ống tưới phần lớn chạy ngầm dưới đất nên thời gian sử dụng kéo dài; tưới bằng bét vừa không mất thời gian vừa đảm bảo tưới đều trên khắp diện tích. Đặc biệt việc lắp đặt khá đơn giản nên vợ chồng tự hoàn thiện mà không cần phải thuê thợ thi công, giảm được tối đa chi phí…”.

Với hơn 10 sào chè gần chục năm tuổi và 5 sào trồng mới, nhiều mùa hạn hán, gia đình ông Bùi Định Hợi ở thôn Đất Đỏ mang nặng nỗi lo cây chè bị chết cháy do nguồn nước không có để bơm tưới, chỉ phó thác may rủi cho trời.

Người dân “vựa chè” Kỳ Anh tập trung chống hạn cho cây trồng

Ông Hợi đã có hệ thống tưới hiện đại cho vườn chè của mình

Điều kiện kinh tế hạn hẹp, không đầu tư được một lần, sau lần thiệt hại do hạn hán năm 2019, cha con ông Hợi quyết định bỏ tiền khoan giếng và năm nay tiếp tục đầu tư lắp đặt hệ thống tưới với 40 bét phun mưa; tổng số tiền đầu tư là 13 triệu đồng.

“Với hệ thống tưới này, mùa hạn hán năm nay gia đình hoàn toàn giải quyết được nỗi lo của các năm trước. Không chỉ không lo chè chết, mà thu nhập cũng sẽ không gián đoạn do phải đầu tư khôi phục diện tích chè mất hàng tháng trời như năm ngoái”, ông Hợi phấn khởi cho biết.

Người dân “vựa chè” Kỳ Anh tập trung chống hạn cho cây trồng

"Súng bắn nước" có thể có vòng xoay với diện tích tưới lên tới 20 - 25m.

“Tức chí” sau mỗi mùa hạn phải xót xa nhìn diện tích chè mình bị khô cháy, ông Nguyễn Khắc Kính ở thôn Bắc Sơn đã lặn lội vào tận tỉnh Lâm Đồng, đến tận các hộ trồng cà phê tìm hiểu và mua về chiếc “súng bắn nước”, một dạng đầu phun nước di động (hình khẩu súng ngắn) công suất lớn được thiết kế cải tiến, có khả năng phun nước xa và đều khắp với vòng xoay có bán kính từ 20 đến 25m.

Cùng với nạo vét lại hồ chứa nước, sắm hệ thống máy bơm, ống dẫn, tổng chi phí đầu tư trên 25 triệu đồng.

“Năm nay, nhờ hệ thống tưới này, việc tưới chè quá đơn giản, vừa không tốn công sức, vừa đạt hiệu quả bất ngờ. Từ khi trồng chè đến nay, đây là mùa hạn đầu tiên tôi không lo thiệt hại”, ông Kính chia sẻ.

Người dân “vựa chè” Kỳ Anh tập trung chống hạn cho cây trồng

Cấu tạo của chiếc "súng bắn nước" vừa được ông Nguyễn Khắc Kính du nhập về hoạt động trên địa bàn thôn Bắc Sơn.

Xã Kỳ Trung có 392 hộ trồng chè với tổng diện tích trên160 ha; sản lượng chè búp tươi bình quân hằng năm đạt 1.750 tấn. Đợt hạn hán năm 2019, toàn xã có trên 70% diện tích chè bị ảnh hưởng, không có thu nhập, trong đó có 17 ha bị chết trắng.

Cũng từ mùa nắng nóng khắc nghiệt này, trong năm 2019, toàn xã có 30 hộ đã lắp đặt hệ thống tưới.

Người dân “vựa chè” Kỳ Anh tập trung chống hạn cho cây trồng

Lãnh đạo xã Kỳ Trung kiểm tra, hướng dẫn người trồng chè kỹ thuật chăm sóc chè trong mùa nắng nóng

Năm nay, bên cạnh phấn đấu trồng mới 10 ha chè các loại, xã tập trung tuyên truyền, vận động người trồng chè đầu tư lắp đặt hệ thống tưới để tránh thiệt hại, ổn định được năng suất và sản lượng chè trong mùa nắng nóng.

Từ đầu năm đến nay, toàn xã có gần 30 hộ đã đầu tư đắp đập, đào giếng, khoan giếng, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới cho chè, đưa tổng số hộ có hệ thống tưới lên trên 60 hộ. Hiện có 70 hộ khác đang đăng ký lắp đặt trong thời gian tới.

Người dân “vựa chè” Kỳ Anh tập trung chống hạn cho cây trồng

Kỳ Trung sẽ sớm có chính sách phù hợp cho phát triển hệ thống thủy lợi trong sản xuất cây chè nguyên liệu

Ông Nguyễn Trọng Thuần - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Trung cho biết, cây chè luôn được xã xác định là cây trồng chủ lực để nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, dù ngân sách của xã còn hạn hẹp nhưng thời gian tới, xã sẽ cố gắng cân đối nguồn lực để có chính sách hỗ trợ người dân tiến hành đầu tư lắp đặt hệ thống thủy lợi phục vụ cho phát triển cây chè.

Phấn đấu trong năm 2020, toàn xã sẽ có trên 50% diện tích chè được chủ động tưới nước và tiếp tục mở rộng diện tích được tưới trong thời gian tới”, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Trung Nguyễn Trọng Thuần khẳng định.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.