Ông Phạm Xuân Linh ở xã Hương Minh (đứng giữa ) đầu tư 20 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới.
Quyết tâm không để nắng nóng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của gần 1 ha cam đang kỳ rộ quả, từ đầu mùa nắng, ông Phạm Xuân Linh ở thôn Đồng Minh (xã Hương Minh) đầu tư gần 20 triệu đồng để lắp đặt thêm hệ thống tưới phun sương cho vườn cây. Hàng ngày, cả gia đình đều tranh thủ dậy từ sáng sớm để bơm nước tưới cây.
Tuy nhiên, ông Linh vẫn chưa hết lo lắng: "Các kênh mương, hồ đập xung quanh đã gần cạn nước nên tôi và các hộ làm vườn khác ở đây đang rất lo ngại. Nếu nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới thiếu sẽ đe dọa rất lớn đến năng suất, sản lượng các vườn cây. Vì vậy, tôi đang tranh thủ thời gian tìm kiếm các mạch nước, nguồn nước có thể sử dụng lâu dài, ổn định để chống hạn”.
Việc sử dụng nguồn nước từ các ao hồ tự nhiên không chỉ giúp gia đình anh Lê Đình Hiệp (xã Quang Thọ) tưới cho vườn cam mà còn đảm bảo nước cho 6 sào lúa vụ hè thu gieo cấy gần nhà.
Nắng nóng cũng đã khiến cho vườn cam 200 gốc mới cho quả bói của gia đình anh Lê Đình Hiệp ở thôn Kim Quang (xã Quang Thọ) bị héo rũ ngay từ đầu mùa khô hạn. Để bảo vệ vườn cây, gia đình gấp rút mua sắm thêm thiết bị, lắp đặt đường ống để dẫn nguồn nước từ Khe Đồng - Hói Trí về tưới khu vườn. Nhờ được ứng cứu kịp thời nên vườn cây ăn quả của gia đình anh đã sớm xanh tươi trở lại.
Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thọ Nguyễn Võ Thịnh thông tin: “Toàn xã hiện có hơn 500 ha cây ăn quả với đầy đủ các loại từ cam, chanh, bưởi, ổi… hàng năm mang về nguồn thu rất lớn cho bà con. Bên cạnh việc thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở, đôn đốc các hộ tập trung chăm sóc các vườn cây trong mùa nắng nóng, xã tạo điệu kiện tốt nhất để bà con tiếp cận các chính sách hỗ trợ để có thêm nguồn lực lắp đặt hệ thống tưới nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã cử cán bộ chuyên môn xuống tư vấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật chống hạn hiệu quả”.
Những gốc ổi lê Đài Loan của bà con vùng tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ (xã Thọ Điền) đã được bọc quả để bảo vệ trước nắng nóng
Không chỉ có cây cam mà các vườn cây ăn quả khác như bưởi, chanh, ổi lê Đài Loan, quýt, nhãn, vải, mít… trên địa bàn Vũ Quang cũng đang được tập trung chống hạn theo mức độ, đặc trưng của từng loài cây, từng địa hình.
Ngoài tưới nước, bọc quả non để không bị nắng nóng ảnh hưởng trực tiếp, các nhà vườn cũng đang kết hợp thực hiện nhiều biện pháp khác để “giải nhiệt” cho vườn cây, nhất là việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và cây tạp tấp gốc cho cây và kiểm tra sâu bệnh, bổ sung chất dinh dưỡng, theo dõi sát sao tình hình để có sự ứng cứu, điều chỉnh phù hợp…
Nhờ được chăm sóc cẩn thận, phun tưới đầy đủ nên vườn cam của anh Lê Quang Tự ở thôn 8, xã Đức Bồng vẫn đâm chồi, nẩy lộc ngay trong những ngày nắng nóng gay gắt.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: “Toàn huyện hiện có hơn 3.540 ha cây ăn quả, trong đó có đến 2.540 ha là cam, còn lại chanh, bưởi, ổi, thanh long, nhãn, xoài...
Theo khảo sát, hiện có khoảng 20% diện tích đã được lắp đặt hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt, chủ động được việc phun tưới; gần 30% diện tích đang được người dân tận dụng nước ao hồ, sông suối tưới thủ công. Hơn 50% diện tích còn lại chưa thể chủ động nguồn nước tưới vì trồng ở các địa hình phức tạp, trên núi cao, xa nguồn nước. Nếu nắng nóng kéo dài thì số diện tích này sẽ đối mặt với nguy cơ hạn hán, khô héo rất cao"
"Trước tình hình đó, UBND huyện chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo phát triển sản xuất, nhất là đối với diện tích cây ăn quả trong điều kiện thời tiết nắng hạn. Các phòng, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã triển khai kịp thời, hiệu quả các phương án phòng chống hạn như: hướng dẫn người dân tăng cường các biện pháp chăm sóc, ủ gốc cho cây, che chắn cho những diện tích cây ăn quả mới trồng; sử dụng tiết kiệm nước tưới, điều tiết nguồn nước tưới từ các hồ đập, sông suối hợp lý... để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng gây ra” - Ông Nguyễn Văn Tiến thông tin thêm.