Một triền đê cong cong uốn mình qua bao luỹ tre xanh là hình ảnh gợi nhiều thương nhớ nhất trong lòng người xa quê. Ảnh Hùng Nguyễn
Bài thơ Tha hương in trong tập Viết tặng những mùa xưa (NXB Thanh niên, 1999) tuy không có quá nhiều hình ảnh về làng quê nhưng chỉ dăm ba sự nhắc nhớ cũng khiến người ta đắm chìm vào đó và miên man trong nỗi sầu vạn cổ của làng quê Việt.
Heo may ngao ngát bờ đê
Xa quê người có nhớ về quê không
Ngủ còn thắc thỏm triền sông
Câu thơ bèo dạt ăn đong nỗi buồn
Đời người phận tép thân tôm
Tha hương vì chuyện áo cơm mệt nhoài
Chao ôi ngày ngắn đêm dài
Tấm chăn không đủ ấm ngoài cô đơn
Bận lòng chi nỗi thiệt hơn
Ghét thương chi những cỏn con bạc bèo
Chao ôi trời lẻ cánh diều
Gió đâu thổi quắt một chiều xa quê
Nhớ mong ríu bước ngày về
Mặt người còn nhọ khói xe bụi tàu
Chao ôi mỗi bước cơ cầu
Không hay lấm nửa mái đầu gió sương!
Khói lam chiều cũng là một trong những nỗi nhớ với người tha hương... Ảnh Hùng Nguyễn
Viết về quê, về nỗi nhớ quê, có lẽ không thể thơ nào chuyển tải hay và hiệu quả bằng lục bát. Trương Nam Hương với thế mạnh thơ lục bát của mình cũng đã tận dụng hết tính năng chuyển tải của thể thơ này khi cảm tác về tâm tư của mình, ngẫm về quãng đời phiêu bạt xứ người.
Trương Nam Hương đã quá tinh tế khi chọn hình ảnh bờ đê để bắt đầu tâm sự của mình: “Heo may ngao ngát bờ đê/ Xa quê người có nhớ về quê không”. Tác giả đang hỏi người mà cũng là tự hỏi mình. Nhưng cần gì phải hỏi, chỉ cần nghĩ đến bên bờ đê uốn cong theo làng mạc, lại là bờ đê “ngao ngát heo may” thì tâm tư đứa con ly hương nào chẳng duềnh lên nỗi nhớ. Câu thơ còn trở nên cắt cứa hơn bởi cách lựa chọn ngôn ngữ của tác giả. Không phải là ngan ngát hay man mác mà là “ngao ngát”. Sự sáng tạo ấy tạo nên hiệu ứng cảm xúc rất lớn đối với những người “Tha hương vì chuyện áo cơm mệt nhoài”.
Người ta xa quê trong nhiều hoàn cảnh nhưng phần lớn đều bởi chuyện áo cơm. Và trong bước đường phiêu bạt ấy, quê hương luôn là một chuyến đò đợi sẵn để người ta có thể an yên bước lên, an yên trở về. Nhất là khi trong những cuộc ra đi ấy đầy ắp những nhọc nhằn, những chấp nhặt “thiệt hơn”, những “cỏn con bạc bèo”… Và ở đây, trong cuộc ra đi của mình, Trương Nam Hương có lẽ đã phải đón nhận rất nhiều cơ cực nên nỗi nhớ quê càng chất chứa. 3 lần tác giả dùng cảm thán từ “chao ôi” khi nhìn lại những ngày tha hương của mình đã cho thấy sự mệt mỏi và khao khát trở về…
Những trò chơi thơ bé luôn trở về trong lòng người tha hương mỗi khi gặp những câu thơ đồng điệu với tâm hồn.
Trong rất nhiều tác phẩm của Trương Nam Hương, người ta thường thấy bóng dáng một con người đau đáu nhớ quê. Trong tác phẩm “Câu thơ ngày về” cũng có bóng dáng nỗi ngậm ngùi của nhân vật trong Tha hương với những câu thơ thăm thẳm nỗi buồn: “Ngày về sau tháng năm xa/ Trắng bàn tay, trắng dần qua mái đầu/ Có gì để tặng quê đâu/ Đời thơ bèo bọt dăm câu bọt bèo” và “Thức cùng quê một đêm nay/ Rồi mai lại tính từng ngày cách xa/ Bao giờ cơm áo buông tha/ Câu thơ thay được đời ta. Bao giờ…”.
Làng quê, nơi con người được sinh ra, được nuôi dưỡng luôn chiếm giữ một góc vô cùng thiêng liêng trong tâm hồn. Đối với những đứa con phiêu bạt xứ người thì hình ảnh của làng càng trở nên da diết và thao thiết hơn. Chỉ cần một bờ đê, một triền sông, một cánh diều cũng gợi lên thật nhiều thương yêu, thật nhiều khao khát trở về…