Tỏa sáng mạch nguồn cách mạng trên quê hương Can Lộc anh hùng

(Baohatinh.vn) - Bất kỳ lúc nào, khi nhắc đến Cách mạng tháng Tám ở Hà Tĩnh thì Can Lộc (Hà Tĩnh) cũng là địa danh xuất hiện đầu tiên trong ý nghĩ của tôi. 74 năm đã trôi qua nhưng những câu chuyện trong sử sách, trong lời kể của những người từng tham gia Tổng khởi nghĩa ở Can Lộc vẫn như còn vẹn nguyên khí thế…

Tỏa sáng mạch nguồn cách mạng trên quê hương Can Lộc anh hùng

Tượng đài Xô Viết ở thị trấn Nghèn đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Tháng Tám, lòng người Can Lộc lại trở nên đầy chật hơn trong những ký ức về mùa thu cách mạng. Trên những miền quê, trên những khu di tích ở bến đò Thượng Trụ, làng Đỉnh Lự, tượng đài Xô-viết Nghệ Tĩnh…, thế hệ trước lại kể cho thế hệ sau ký ức về những ngày làm cách mạng năm xưa.

Những câu chuyện ấy tuy lúc mờ, lúc tỏ nhưng vẫn vẹn nguyên một khí thế hào hùng, tình yêu đất nước, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tỏa sáng mạch nguồn cách mạng trên quê hương Can Lộc anh hùng

Nền huyện đường ở thị trấn Nghèn - nơi vào ngày 7/9/1930, hơn 1.000 nông dân mang cờ đỏ búa liềm đấu tranh chiếm huyện đường, thả tù chính trị.

Ông Bùi Xanh (tổ dân phố 2, thị trấn Nghèn) - người từng có mặt tại các cuộc biểu tình, đấu tranh trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 năm nay đã ngoài 100 tuổi, tuy trí nhớ không còn mẫn tiệp nữa nhưng với ông, những ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám vẫn là dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Ông nhớ lại: “Thuở lên 10, tôi đã được chứng kiến những cuộc đấu tranh đầy khí thế của cha anh. Cũng có những lần tôi tham gia vào đoàn người đi đấu tranh nhưng lúc bấy giờ tôi chưa hiểu cách mạng là gì, chỉ đi vì lòng yêu nước. Còn trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thì tôi đã có lý tưởng của mình.

Những ngày tham gia Tổng khởi nghĩa chính là dấu mốc quan trọng để sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tôi tiếp tục tham gia cách mạng, giữ nhiều chức vụ trong các tổ chức và theo Đảng, theo Bác Hồ trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ về sau”.

Tỏa sáng mạch nguồn cách mạng trên quê hương Can Lộc anh hùng

Khu đô thị Nghèn hôm nay. Ảnh Thanh Hải

Cũng từ miền ký ức của ông Bùi Xanh, chúng tôi đã hiểu hơn những trang sử viết về các cuộc đấu tranh của người dân Can Lộc. Từ tháng 6/1945, hầu hết các làng, xã trong huyện đã ra đời Việt Minh bí mật, thu hút hơn 1.000 hội viên mà nòng cốt là các đảng viên cộng sản.

Từ những hoạt động bí mật, đến tháng 8, hàng vạn người nông dân áo vải từ khắp nơi trong huyện Can Lộc đã nhất loạt đứng lên đòi tự do, cơm áo. Đến ngày 16/8/1945, lá cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên cột cờ ở giữa sân đồn địch trên đỉnh đồi Nghèn, báo tin vui thắng lợi của cách mạng.

Ngay ngày hôm sau, gần 2.000 người dân các xã trong 4 tổng: Nga Khê, Đậu Liêu, Nội Ngoại và tổng Đoài, đội ngũ chỉnh tề, giương cao cờ đỏ sao vàng từ các hướng đổ về sân vận động Nghèn dự mít tinh chào mừng Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào.

Từ đây, chính quyền về tay cách mạng, chấm dứt cảnh sưu cao, thuế nặng và các khoản đóng góp vô lý. Mọi việc trong huyện, trong tổng, trong làng đều do dân quyết định.

Cách mạng tháng Tám ở Can Lộc được đánh giá là mau lẹ, kịp thời, đặc biệt là không đổ máu. Đó là mốc son chói lọi trong sử vàng của Can Lộc.

Tỏa sáng mạch nguồn cách mạng trên quê hương Can Lộc anh hùng

Người dân Can Lộc hôm nay đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa như cây ăn trái ở vùng trà sơn...

74 năm đã trôi qua kể từ mùa thu ấy, tiếp bước truyền thống cha ông, người dân quê hương Can Lộc anh hùng luôn sát cánh bên nhau xây dựng cuộc sống mới.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Như Dũng cho biết: “Phát huy truyền thống cách mạng, thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân Can Lộc đã đoàn kết một lòng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhân dân đồng thuận, quyết tâm xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Đến nay, các xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM và quyết tâm về đích huyện NTM vào cuối năm nay. Đặc biệt, người dân Can Lộc đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng 550 năm Thiên Lộc - Can Lộc”.

Tỏa sáng mạch nguồn cách mạng trên quê hương Can Lộc anh hùng

... vựa lúa ở Kim Lộc, Khánh Lộc...

Can Lộc đã có những chính sách kích cầu nhằm khuyến khích và tạo cơ chế cho người dân làm giàu trên chính đồng đất của mình. Sự thay đổi tư duy và động lực từ cuộc cách mạng cơ giới hóa cũng đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ để nhân dân Can Lộc tự nguyện hy sinh quyền lợi cá nhân, xóa bỏ những thửa ruộng manh mún, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM theo hướng bền vững.

Can Lộc đã hình thành được những vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa như vùng rau màu Thiên Lộc, lúa chất lượng cao ở Khánh Lộc, cây ăn quả vùng trà sơn...

Đời sống người dân bước sang trang mới, Can Lộc không còn hộ đói, hộ nghèo giảm nhanh và số hộ khá giả ngày càng tăng lên. Bức tranh NTM hiện hữu trên những xóm làng trù mật. Hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng hoàn thành sớm một lần nữa chứng minh tinh thần cách mạng truyền thống của nhân dân Can Lộc.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).