Xây dựng phong cách làm việc dân chủ - quần chúng theo phong cách Hồ Chí Minh

(Baohatinh.vn) - Cách làm việc dân chủ - quần chúng là phong cách hàng đầu mà người cán bộ, đảng viên cần phải có, vì dân chủ là cái chìa khóa vạn năng.

Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, 3 điều đó quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái. Có dân chủ sẽ củng cố vững chắc lòng dân. Mà lòng dân là quốc bảo dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, “lấy lòng dân để đo vận nước”. Kinh nghiệm xưa và nay chứng tỏ cho chúng ta biết rằng, có được lòng dân là có tất cả, mất lòng dân là mất hết.

xay dung phong cach lam viec dan chu quan chung theo phong cach ho chi minh

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn kiểm tra NTM tại huyện Can Lộc (Ngày 4/8/2017)

Chế độ ta là chế độ dân chủ, địa vị cao nhất là dân. Dân là chủ và dân làm chủ. Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng. Đó chính là điểm mấu chốt của việc xây dựng phong cách làm việc dân chủ - quần chúng của cán bộ, đảng viên theo phong cách Hồ Chí Minh.

Dân chủ là phát huy, quy tụ sức mạnh trí tuệ của tập thể. Phải nhận thức đúng đắn rằng, một người dù tài giỏi đến mấy cũng không thể nhìn khắp được sự vật, biết hết mọi việc. “Dại bầy hơn khôn độc”. Phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể. Có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí, mới cùng quyết tâm thực hiện, tránh được “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng, là người lãnh đạo phải khuyên cán bộ, đảng viên mạnh bạo, cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, phê bình. Đó là cách tốt nhất để người lãnh đạo biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của mình và tỏ ra thật thà, dân chủ trong Đảng. Người lãnh đạo phải hiểu rằng, trong sinh hoạt mà cán bộ không nói năng, không đề xuất ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản.

Phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ theo cách tập trung trên nền tảng dân chủ và dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung. Dân chủ là phải lãnh đạo tập thể, còn tập trung thì cá nhân phải phụ trách. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung. Phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Đây là một biểu hiện dân chủ cao của một đảng chân chính cách mạng.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tức là người cán bộ, đảng viên phải làm cho nhân dân có năng lực làm chủ, biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Một điều quan trọng là phải coi trọng việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức làm chủ, phát triển văn hóa chính trị và tính tích cực của công dân, khuyến khích nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước, giám sát, phê bình Chính phủ, phê bình lãnh đạo, khắc phục mọi thứ dân chủ hình thức, trang trí, giả tạo, vô tổ chức.

xay dung phong cach lam viec dan chu quan chung theo phong cach ho chi minh

Trong phong trào xây dựng NTm, tinh thần dân chủ luôn được phát huy. Trong ảnh: Nhân dân xã Thạch Khê (Thạch Hà) xây hàng rào nhà văn hóa thôn.

Gắn bó chặt chẽ với phong cách dân chủ là phong cách quần chúng. Trước hết, cán bộ, đảng viên phải thấu hiểu và thấu cảm đời sống dân chúng. Cùng với phụ trách trước Đảng và Chính phủ, cán bộ, đảng viên phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc và cũng phụ trách trước nhân dân. Phải đặt lợi ích của quần chúng lên trên hết. Điều này thể hiện ở chỗ việc gì lợi cho dân, dù nhỏ mấy cũng hết sức làm; việc gì hại cho dân dù nhỏ mấy cũng phải tránh. Chúng ta phải thấy có lỗi khi dân đói, rét, ốm đau, không được đi học.

Phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Phải chịu khó đi về cơ sở để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý. Xuống cơ sở không phải theo kiểu “nhiệt liệt chào mừng đồng chí về thăm, làm việc” mà phải nắm tình hình, đưa ra được các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương, cho các ngành. Phải lắng tai nghe ý kiến của nhân dân, những người “không quan trọng”, cả những ý kiến “nghịch”. Phải thấu triệt lời dạy của Bác: “Nếu quần chúng nói vài điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích”. Không được áp đặt ý kiến của mình với dân chúng, mà nên hiểu thấu.

Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ. Khi gặp công việc khó, phải biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu, cả những việc trực tiếp có lợi cho dân. Dân chúng hiểu và đồng ý thì họ vui lòng ra sức làm.

Mỗi cán bộ phải hiểu rằng, con người không phải thánh thần. Đã làm việc thì không tránh khỏi khuyết điểm. Chỉ những kẻ ăn không ngồi rồi thì mới không có khuyết điểm mà thôi. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, chứ không phải ở chỗ giấu khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình. Hoan nghênh quần chúng phê bình là một trong những cách tốt nhất để làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Sẵn sàng học hỏi nhân dân. Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu. Mỗi người phải hiểu rằng, sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình.

Xây dựng phong cách làm việc quần chúng của cán bộ, đảng viên theo phong cách Hồ Chí Minh, nói ngắn gọn là phải theo đúng đường lối nhân dân, phải “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Xây phong cách quần chúng thì phải đi liền với chống quan liêu, mà biểu hiện là xa dân, khinh dân, sợ dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không thương yêu nhân dân. Quan liêu là gốc rễ, cội nguồn đẻ ra tham ô, lãng phí. Làm theo cách quan liêu, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại. Cán bộ, đảng viên phải ghi tạc vào đầu lời dạy của Bác: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, chẳng khác gì đứng lơ lửng giữ trời, nhất định thất bại”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast