Xây dựng, phát triển nền ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc

(Baohatinh.vn) - Hội nghị đối ngoại toàn quốc được tổ chức nhằm góp phần chủ động quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là chủ trương, đường lối, định hướng về đối ngoại. Tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải.

Xây dựng, phát triển nền ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc

Điểm cầu Hà Tĩnh do Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải điều hành.

Sáng nay (14/12), Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến đối ngoại toàn quốc, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương và các điểm cầu trong toàn quốc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội của Trung ương và địa phương, các Đại sứ và Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; các đồng chí nguyên lãnh đạo: Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Liên hiệp các Hội hữu nghị Việt Nam.

Điểm cầu Hà Tĩnh do Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì với sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành. Hội nghị cũng được trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện trong toàn tỉnh.

Đối ngoại nâng cao tầm vóc và vị thế của Việt Nam

Mở đầu hội nghị, đại biểu đã được nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về thành tựu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Xây dựng, phát triển nền ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự điểm cầu tỉnh.

Phân tích tình hình bối cảnh trong nước và quốc tế, đồng chí Phạm Bình Minh khẳng định: Công tác đối ngoại luôn được Đảng và Nhà nước ta triển khai toàn diện, chủ động, tích cực cả về chủ trương, chính sách cũng như trên thực tiễn.

Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy và nâng tầm được cả thế và lực nhất định, uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, đã tạo ra những tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển.

Đặc biệt, 5 năm qua (2016 - 2021), mặc dù gặp khó khăn trên nhiều lĩnh vực nhưng Việt Nam vẫn tận dụng được thời cơ, hoá giải được thách thức, tiếp tục đạt những kết quả toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế được thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng được triển khai hiệu quả.

Từ năm 2016 - 2021, Việt Nam đã xác lập thêm 6 khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện lên 30 nước.

Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước; các đoàn thể, tổ chức nhân dân có quan hệ với hàng nghìn tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.

Việt Nam cũng đã gia nhập và ký kết hơn 80 điều ước quốc tế đa phương; đã là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu; đã và đang tham gia hiệu quả vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong củng cố đoàn kết nội khối, đẩy mạnh quan hệ của ASEAN với các đối tác.

Xây dựng, phát triển nền ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành tham dự hội nghị.

Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế; hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008 - 2009 và 2020 - 2021); Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020); Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006, 2017); Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên (2019); cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…

Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 thị trường và đối tác. 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho nước ta. Nhờ liên kết kinh tế sâu rộng, năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn vượt mốc 600 tỉ USD, vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay đạt khoảng 400 tỉ USD.

Các lĩnh vực công tác đối ngoại như: ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả công tác ngoại giao y tế/vắc-xin trên cả kênh song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vắc-xin. Việt Nam cũng kịp thời viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó, thể hiện rõ vai trò “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế.

Xây dựng, phát triển nền ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến toàn quốc.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại thời kỳ đổi mới là: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

Mục tiêu của đối ngoại được xác định là: bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nguyên tắc đối ngoại Đại hội XIII đề ra, báo cáo đã chỉ ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể là xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân; củng cố tin cậy chính trị, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác; triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, sáng tạo hơn nữa đối ngoại đa phương; giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam kết hợp với văn hoá truyền thống của dân tộc, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh; triển khai đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, kết hợp hiệu quả nguồn lực bên ngoài với các nguồn lực trong nước...

Xây dựng, phát triển nền ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc

Điểm cầu Huyện ủy Vũ Quang.

Tại hội nghị, đại biểu các điểm cầu đã phân tích bối cảnh tình hình, đồng thời, tham luận các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nguyên tắc về công tác đối ngoại mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp trong công tác đối ngoại.

Tạo ra khí thế mới, xung lực mới trong hoạt động đối ngoại

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tính chất quan trọng của hội nghị - đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị.

Xây dựng, phát triển nền ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Báo Nhân dân.

“Đây cũng là dịp các cấp, các ngành, các địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cả trong nước và nước ngoài nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới; vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, cho các cấp các ngành trong hoạt động đối ngoại” - Tổng Bí thư nói.

Phân tích những kết quả công tác đối ngoại của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc đến công cuộc đổi mới hiện nay, Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cũng như góp phần nâng cao vị thế đất nước. Đất nước ta đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với các nước lớn, tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế với sự nghiệp đổi mới của Nhân dân ta. Việt Nam đã thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Mượn lời bài thơ Tre Việt Nam của tác giả Nguyễn Duy, Tổng Bí thư cho rằng, Việt Nam có trường phái ngoại giao riêng đó là “ngoại giao cây tre” - phương thức ngoại giao vừa mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Một nền ngoại giao thấm đượm tâm hồn, khí phách, mềm mại khôn khéo nhưng kiên cường, quyết liệt, đoàn kết.

Xây dựng, phát triển nền ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Báo Nhân dân.

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác đối ngoại, Tổng Bí thư rút ra 5 bài học kinh nghiệm quan trọng:

Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đặt sự phát triển của đất nước vào dòng chảy của thời đại;

Kiên định trong nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về phương pháp sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”;

Xây dựng tinh thần đoàn kết đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta;

Sự lãnh đạo thống nhất tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước;

Xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, tư tưởng, mục tiêu, quan điểm, phương hướng đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Xây dựng, phát triển nền ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc

Tổng Bí thư đề nghị, thời gian tới, bộ, ngành các cấp cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời đổi mới tư duy, không ngừng sáng tạo trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc và xu thế thời đại. Nhạy bén, dám nghĩ, dám làm để có suy nghĩ, hành động vượt tầm quốc gia, đạt đến tầm khu vực và quốc tế.

Nỗ lực tìm kiếm đối tác mới, hướng đi mới trên cơ sở kiên định mục tiêu, tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam là bạn, đối tác trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế; đa phương hoá, đa dạng hoá và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các quốc gia. Phát huy vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hoà bình, tranh thủ điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và đổi mới đất nước cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam.

Đề cao xây dựng đoàn kết, đồng thuận trong nước; kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình cơ chế đa phương. Triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, sáng tạo hơn nữa đối ngoại đa phương, chủ động, tích cực phát huy vai trò, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự kinh tế - chính trị quốc tế; đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, các cơ chế hợp tác liên nghị viện quốc tế và khu vực...

Tiếp tục tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình. Xây dựng chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030. Mở rộng và nâng cao hoạt động đối ngoại nhất là hợp tác kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Đưa các mối quan hệ đã có đi vào chiều sâu ổn định, hiệu quả; tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác các lĩnh vực. Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam kết hợp với văn hoá truyền thống của dân tộc, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khoa học, lý luận ngoại giao Việt Nam.

Nâng cao công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, nhận thức rõ điểm mạnh, điểm yếu để hoạch định chính sách chiến lược phù hợp. Nâng cao công tác phối hợp giữ các bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan trong triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước.

Sắp xếp kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đối ngoại trung ương và các địa phương, cơ quan, đơn vị có chức năng làm công tác đối ngoại ở nước ngoài và trong nước theo phương châm hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Xây dựng, phát triển nền ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc

Ảnh: Báo Nhân dân.

Kết thúc bài phát biểu, Tổng Bí thư bày tỏ quyết tâm xây dựng, phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Từ năm 2017 đến nay, Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã rà soát, sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng, bố trí cán bộ kiêm nhiệm phù hợp với năng lực của từng người nên tạo được sự đồng thuận cao.
Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, các cấp ở Hà Tĩnh đã thường xuyên quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.
60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm qua, vợ chồng đảng viên lão thành Nguyễn Hồng Tiến và Nguyễn Thị Nhung ở phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) luôn một lòng sắt son với Đảng, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương.
Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.