Tiếp xúc với lực lượng chức năng của ở cấp huyện (xử lý trên các tuyến huyện lộ, liên xã), chúng tôi đều nhận được câu trả lời về khó khăn nhất trong việc xử lý xe quá tải hiện nay đó là sự đối phó tinh vi của các tài xế xe quá tải.
Xe quá tải "ung dung" qua Trạm Thu phí Cầu Rác
Các xe quá tải thường hoạt động vào những giờ "giải lao" (buổi trưa, giờ giao ca, ăn cơm của CSGT…), thường xuyên thông báo cho nhau để đối phó khi phát hiện lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát…
Đặc biệt, ở các tuyến đường huyện, liên xã thường có nhiều nhánh rẽ, lối tắt, các lái xe quá tải thường lợi dụng để trốn tránh lực lượng chức năng. Vì vậy, mỗi lần ra quân, lực lượng chức năng có khi không chốt quân trên các tuyến chính mà phải đón lõng ở các tuyến khác mới “bắt” được xe quá tải…
Ông Nguyễn Trần Toản - Phó chánh thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh cho hay: Theo quy định, thanh tra giao thông chỉ được phép kiểm tra những xe có dấu hiệu vi phạm, vì thế việc dừng xe để kiểm tra của lực lượng này gặp khó khăn. Mặt khác, hiện nay các xe quá tải chủ yếu là chở vật liệu xây dựng (đất, đá, cát…), mà các mỏ đất, đát hay bãi tập kết vật liệu chủ yếu là đấu nối với quốc lộ, trong khi đó việc kiểm tra trên quốc lộ thuộc thẩm quyền của lực lượng CSGT tỉnh, thanh tra giao thông không được phép dừng xe để kiểm tra.
Trạm cân lưu động ở Trạm Thu phí Cầu Rác (Cẩm Xuyên) giờ thành quán bán nước
Thượng tá Lưu Văn Tiến - Trưởng phòng CSGT Đường bộ và đường sắt (Công an Hà Tĩnh) cho biết: Sau khi tiến hành bỏ trạm cân lưu động của lực lượng liên ngành (từ tháng 10/2016), CSGT tỉnh đã được trang bị cân xách tay để kiểm tra tải trọng. Phòng đã thành lập một tổ công tác gồm 10 người, do một phó phòng trực tiếp phụ trách, xử lý vấn đề tải trọng.
“Đối với các phương tiện đường dài tất cả các tỉnh đều triển khai, quá tải trọng ít, còn đối với phương tiện nội tỉnh, xe chạy cung đường ngắn, chở xi măng ở các tổng kho, chở vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi, gạch…) thì đa số đều quá tải… Việc xử lý gặp nhiều khó khăn, do tâm lý của người mua hàng nhất thiết phải mua xe đầy, lái xe tìm mọi cách trốn tránh, đối phó, thậm chí là cậy nhờ các mối quan hệ để can thiệp… Vì vậy, mặc dù chúng tôi đã xử lý rất nhiều, nhưng không triệt để được”, ông Tiến thừa nhận.
Xử lý xe quá tải như "bắt cóc bỏ dĩa"
Có thể thấy rằng, tình trạng xe quá tải hoạt động như hiện nay xem ra không thể xử lý dứt điểm được, bởi lái xe thì tìm mọi cách để đối phó, trốn tránh, lực lượng chức năng thì kêu “khó”. Tuy nhiên, có một vấn đề mà chúng tôi thấy cơ quan chức năng chưa đề cập khi tiến hành xử lý xe quá tải đó là kiểm soát tải trọng ngay từ các bến bãi, mỏ đất, đá. Cả lái xe, lẫn các chủ mỏ đều đã ký cam kết không bán, không chở quá tải trọng, song xem ra chỉ là ký cam kết… cho có, bởi việc vi phạm vẫn diễn ra thường xuyên!.
Vấn đề cốt lõi là cần có biện pháp xử lý đối với các chủ mỏ bán sản phẩm vượt quá tải trọng cho phép của xe vận chuyển (có thể nếu vi phạm quá 3 lần sẽ đình chỉ hoạt động, trường hợp nghiêm trọng sẽ buộc đóng cửa mỏ… như một số tỉnh, thành đã làm) thì vấn đề tải trọng sẽ được kiểm soát ngay từ gốc. Lúc đó, không cần chờ xe lăn bánh ra đường thì mới…“bắt”, phạt !