Xét xử đại án đăng kiểm trong 3 tháng

Tòa xét xử hai cựu cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình và 252 người từ 18/7 đến 18/10 về hàng loạt tội danh.

TAND TP HCM xét xử ông Đặng Việt Hà về tội Nhận hối lộ; Trần Kỳ Hình (người tiền nhiệm của ông Hà) về tội Nhận hối lộ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ngoài ra, 252 bị can thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng bị truy tố về 2 tội trên và hàng loạt tội khác như: Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tham ô tài sản..

HĐXX gồm 5 người, do thẩm phán Huynh Văn Trực - Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM, làm chủ tọa. Ngoài ra còn có một thẩm phán và 3 Hội thẩm nhân dân dự khuyết. VKSND TP HCM phân công 4 kiểm sát viên chính thức và 3 người dự khuyết giữ quyền công tố tại tòa.

Hơn 300 luật sư bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại và người liên quan trong vụ án.

Ông Đặng Việt Hà lúc bị bắt. Ảnh: Công an TP HCM
Ông Đặng Việt Hà lúc bị bắt. Ảnh: Công an TP HCM

Theo cáo trạng, trong thời gian giữ chức Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, ông Đặng Việt Hà là người chỉ đạo mọi hoạt động của đơn vị, quản lý công tác đăng kiểm trên cả nước. Tuy nhiên, ông này đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để các Phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong suốt thời gian dài.

Khi phát hiện sai phạm, tiêu cực, ông Hà không chấn chỉnh, xử lý mà "vì vụ lợi cá nhân" tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các Trung tâm Đăng kiểm nhận tiền hối lộ và chia mức hưởng lợi theo nguyên tắc "phải đảm bảo lợi ích của Hà là cao nhất".

Cơ quan công tố xác định cựu cục trưởng Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền nhận hối lộ là hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị Phòng kiểm định xe cơ giới (từ tháng 8/2021 đến 9/2022) là hơn 31 tỷ đồng; 4 trung tâm đăng kiểm (Khối V, thuộc Cục tại TP HCM từ 1/4 đến tháng 11/2022) là hơn 7,6 tỷ đồng; 5 trung tâm đăng kiểm Khối V tại Hà Nội nhận 780 triệu đồng và tiền hối lộ của các Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm khối D là 680 triệu đồng. Ông Hà bị cáo buộc hưởng lợi gần 8,8 tỷ đồng và 13.000 USD.

Là người tiền nhiệm, ông Trần Kỳ Hình cũng có các hành vi sai phạm tương tự. Ông này bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi cá nhân đã nhận tiền hối lộ tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD của các doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm, bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động Trung tâm Đăng kiểm, sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện.

Ngoài ra, ông Hình còn lợi dụng chức vụ quyền hạn vị trí công tác làm trái quy định, đã duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các chi cục đăng kiểm và Cục đăng kiểm Việt Nam.

Có vai trò sau lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam là các bị can thuộc nhóm lãnh đạo và cán bộ tại Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) - nơi có chức năng thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo phương tiện xe. 22 cá nhân gồm trưởng, phó phòng và các nhân viên tại phòng chuyên môn này bị cáo buộc về loạt sai phạm. Trong đó, Trần Anh Quân (quyền trưởng phòng VAR) là nhân vật quyền lực nhất.

Nhà chức trách xác định, từ khi nhận chức quyền trưởng phòng vào tháng 3/2019, Quân đã vạch ra chủ trương bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế để cấp giấy chứng nhận cải tạo xe của các công ty cho nhân viên thực hiện. Quân đã bàn bạc, thống nhất chủ trương nhận, chia tiền hối lộ với 12 đăng kiểm viên phòng VAR do đó phải chịu trách nhiệm về tổng số tiền các đăng kiểm viên đã nhận hối lộ là hơn 60 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong quá trình thẩm định hồ sơ, kiểm tra đánh giá cấp phép đủ điều kiện Trung tâm Đăng kiểm 50-19D của Trần Bửu Tùng, Quân còn nhận hối lộ 9.500 USD. Cơ quan tố tụng xác định Quân hưởng lợi 11,5 tỷ đồng và 9.500 USD.

Quá trình điều tra, hai cựu cục trưởng và hầu hết các bị can thành khẩn khai nhận hành vi sai phạm và tỏ ra ăn năn hối cải. Một số bị can đã nộp lại một phần tiền hưởng lợi bất chính, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong việc giải quyết vụ án. Cảnh sát đã thu hồi, tạm giữ tổng cộng hơn 43 tỷ đồng và 118.800 USD cùng nhiều tài sản khác để khắc phục hậu quả.

Đại án đăng kiểm được đánh giá là vụ tham nhũng có tổ chức, hành vi có hệ thống, xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm. Khi vụ án được phát hiện, hầu hết các trung tâm trên cả nước bị dừng hoạt động để làm rõ sai phạm, ảnh hưởng nặng nề đến người dân.

Hơn một năm qua, từ khi bắt đầu điều tra sai phạm trên diện rộng về lĩnh vực đăng kiểm, tính đến cuối năm 2023, công an 49 địa phương đã khởi tố 114 vụ án, hơn 800 bị can. Nhà chức trách xác định các vụ án có điểm chung là ăn chia "có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên tục, nhiều cấp độ".

Trong suốt 28 năm hoạt động, đây là lần đầu ngành đăng kiểm có số lượng người bị khởi tố kỷ lục. Ngoài các bị can bị xử lý hình sự, Đảng ủy Cục Đăng kiểm đã kỷ luật cảnh cáo 10 chi bộ, khai trừ Đảng 47 đảng viên, đình chỉ sinh hoạt Đảng 24 đảng viên sai phạm trong hoạt động đăng kiểm.

vnexpress.net

Đọc thêm

Những đồng tiền tội lỗi

Những đồng tiền tội lỗi

Mờ mắt trước khoản tiền công lớn từ vận chuyển thuê ma túy, bị cáo Xeng và Sisavanh Yongyaerlor (Lào) đã tự khép lại cuộc đời bằng bản án tử hình do TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt.
Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Cho rằng chuyện vợ bán nghé không thông báo là thiếu tôn trọng chồng con, bị cáo Mai Văn Hà (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã nhẫn tâm xuống tay, tước đoạt mạng sống của người từng “đầu ấp tay gối”.
Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Để phòng ngừa tình trạng cháy nổ vào mùa hanh khô, Công an Hà Tĩnh đã tiếp tục đưa ra khuyến cáo để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức cảnh giác với "bà hoả".
Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cho hay, thời gian qua, một số người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sau khi thực hiện đăng ký kinh doanh trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến đã nhận được cuộc gọi lừa đảo của các đối tượng.