Được chăm sóc kỹ lưỡng nhưng vườn bưởi gia đình anh Nguyễn Ngọc Luyến chỉ đậu quả chưa bằng một nửa so với các năm trước.
Mặc dù vườn bưởi được chăm sóc rất kỹ lưỡng, mất riêng 1 tháng công của cả gia đình để thụ phấn bổ sung, nhưng tỷ lệ đậu quả tại vườn anh Nguyễn Ngọc Luyến (thôn 12, xã Hà Linh) đến thời điểm này chỉ đạt chưa đến 50% so với các năm trước.
Anh Luyến buồn nói: Năm 2018, hơn 130 gốc bưởi Phúc Trạch trong vườn tôi đậu khoảng 4.000 quả, cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Sau thu hoạch, chúng tôi bón phân, chăm sóc kỹ lưỡng, bưởi ra hoa nhiều. Tuy nhiên, sau khi quả lớn bằng hạt ngô thì rụng hàng loạt. Thời điểm đó, thời tiết có nhiều sương muối và mưa axit nên có thể đây là nguyên nhân khiến bưởi rụng. Tại xóm 12 này, có nhiều hộ rơi vào tình trạng tương tự, thậm chí có gia đình mất trắng.
Bưởi Phúc Trạch còn bị rụng, thối hoặc không phát triển bởi nhiều loại nấm, sâu, bệnh khác.
Tại xã Hương Thủy, tình trạng rụng quả non diễn ra tương tự. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đình Hữu chia sẻ: Tình trạng bưởi Phúc Trạch năm nay rụng quả rất nhiều, sản lượng có thể chỉ đạt 50% so với các năm trước. Ngoài hiện tượng sương muối, thời tiết cuối năm 2018 và đầu năm 2019 rất hiếm mưa lớn nên thiếu nước, nhiều hộ không đủ để tưới cho cây nên có đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bưởi rụng quả.
"Thực tế tại vườn gia đình tôi có hơn 140 cây trong độ tuổi cho quả, nhưng chỉ có 3 cây đạt tỷ lệ đậu tốt còn lại hầu như bị rụng gần hết. Ngoài hiện tượng thời tiết bất thường, quả bưởi sau khi đậu gặp nhiều sâu, bệnh nên vẫn tiếp tục rụng hoặc không lớn, dị dạng. Trong đó có bệnh "ghẻ", nấm, hiện tượng quả "đơ", "bánh xe" xuất hiện rất nhiều...", Bạch Đình Hữu cho biết thêm.
Hiện tượng nấm mốc sương (còn gọi là trái cám) khiến quả bưởi không phát triển và rụng.
Ông Hữu giải thích thêm, bệnh "ghẻ" mới xuất hiện trên cây bưởi thời gian gần đây. Cây phát bệnh có hiện tượng xuất hiệt một nốt nhỏ hình tròn ở phần thân của lộc non và xì ra mủ màu đỏ. Nếu không xử lý, phần đọt sẽ héo. Còn cách xử lý cũng chỉ là chủ động chặt bỏ phần bị bệnh và đốt để tránh lây lan. Bệnh "bánh xe" (còn gọi là bệnh "su hào") là khi bưởi đậu quả nhưng không phát triển theo hình tròn mà dẹt như hình bánh xe. Còn bệnh "đơ" là những quả bưởi có màu xanh đen, không lớn thêm được.
Đối với những quả bị bệnh "bánh xe", "đơ" chỉ có cách cắt bỏ. Ngoài ra, năm nay, cũng xuất hiện nhiều sâu róm, một số loại nấm khiến quả bưởi thối rồi rụng.
Nhờ ra hoa sớm và tưới nước thường xuyên, vườn bưởi ông Trần Văn Trung vẫn đạt tỷ lệ đậu quả cao, phát triển tốt.
Theo ghi nhận, hiện tượng rụng quả non xuất hiện ở hầu hết các xã trồng bưởi Phúc Trạch tại Hương Khê. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra cục bộ đối với một số hộ dân hoặc theo vùng. Thậm chí, trong cùng một vườn, tình trạng rụng chỉ xảy ra trên một số cây. Nhiều nhà vườn vẫn đạt tỉ lệ đậu quả cao.
Ông Trần Văn Trung (thôn 11, xã Hà Linh) chia sẻ: Nhờ vườn bưởi ra hoa sớm hơn so với các hộ khác nên tránh được giai đoạn sương muối khi quả vừa đậu. Hơn nữa, khi phát hiện sương muối, chung tôi chủ động tưới nước rửa trôi thường xuyên nên bưởi sau khi đậu vẫn phát triển ổn định.
Theo một cán bộ ngành nông nghiệp Hương Khê, vụ bưởi hiện chỉ mới bắt đầu nên chưa thể đánh giá sản lượng, tuy nhiên có thể sẽ giảm so với các năm trước. Hiện tượng bưởi non rụng quả nhiều một phần là do cây rụng sinh lý, một phần khác có thể là do thời tiết diễn biến bất thường. Năm nay, thời tiết nắng nhiều, mưa ít, tại giai đoạn cây bưởi bắt đầu đậu quả, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao. Bên cạnh đó, nhiệt độ thay đổi liên tục, có thể ngày trước đang nắng nóng nhưng ngày sau có mưa và lạnh nên gây bất lợi đối với quá trình đậu quả, phát triển của bưởi Phúc Trạch.