Xuất khẩu gạo vất vả cán đích

Tính đến 15/10, cả nước đã xuất khẩu (XK) hơn 5,34 triệu tấn gạo, đạt giá trị khoảng 2,3 tỷ USD, giảm gần 11% về lượng và 13% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này sẽ tạo sức ép không nhỏ cho việc thực hiện mục tiêu XK gạo cả năm.

Cạnh tranh khốc liệt

Tháng 9/2013, các doanh nghiệp trong nước tiếp tục không đạt kế hoạch XK gạo đề ra khi chỉ đạt gần 527.000 tấn, thấp hơn dự kiến khoảng 123.000 tấn và đạt mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua. Hầu hết những bạn hàng truyền thống vốn ưa chuộng gạo của Việt Nam đều giảm nhập khẩu như châu Phi, Trung Quốc…

“Chỉ tính riêng trong tháng 8, lượng gạo hợp đồng XK được các doanh nghiệp ký kết XK mới giảm mạnh kỷ lục, thấp nhất trong vòng 2 năm gần đây. Hiện, tình hình XK gạo đã được cải thiện nhưng mức tăng không nhiều nên đang làm cho không ít doanh nghiệp lo lắng. Nguyên nhân là do thị trường đang có sự tranh bán quyết liệt và tình hình thị trường chung vẫn trì trệ khi hầu hết khách hàng mua vẫn trong tâm lý chờ đợi vụ thu hoạch mới từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar để xác định lại giá thị trường”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho hay.

Giá xuất khẩu gạo thấp đang ảnh hưởng đến giá thu mua lúa vụ thu đông của nhà nông ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Giá xuất khẩu gạo thấp đang ảnh hưởng đến giá thu mua lúa vụ thu đông của nhà nông ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, trong những tháng cuối năm, giá gạo thế giới sẽ chịu áp lực từ việc Thái Lan bán hạ giá và nhiều nước XK gạo ở châu Á tăng cung khi bắt đầu vụ thu hoạch mới. Đặc biệt, do phải tăng cường bán gạo cũ để giải quyết lượng tồn kho lớn và tăng thu ngân sách, nên hiện Thái Lan có nhiều giá chào khác nhau, thậm chí thấp hơn Ấn Độ. Do “miếng bánh” XK gạo đang được chia mỏng cho nhiều nguồn cung cấp nên người mua có nhiều sự chọn lựa và tình hình cạnh tranh giữa các nguồn cung cấp càng khắc nghiệt.

Hiện châu Phi tiêu thụ khoảng 30% lượng gạo XK của Việt Nam, chủ yếu là gạo thơm, gạo đồ, nếp... Riêng gạo phẩm cấp thấp vốn thời gian dài là thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước đang rất khó bán, vì không cạnh tranh được với gạo Ấn Độ và Pakistan. Trong khi đó, Trung Quốc vốn chiếm đến hơn 40% lượng XK gạo Việt Nam vẫn đang trì hoãn việc nhập khẩu.

“Quí 4, dự kiến thị trường XK gạo chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc nhưng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Pakistan và Myanmar. Còn tại thị trường châu Phi, cạnh tranh lớn nhất là từ Thái Lan và Ấn Độ. Tiềm năng nhất và có vai trò quan trọng đối với XK gạo Việt Nam sẽ là từ thị trường Indonesia và Philippines. Và nếu như 2 quốc gia trên không trở lại thị trường sớm trong tháng 10, XK gạo của Việt Nam sẽ gặp khó khăn và khó hoàn thành kế hoạch đề ra”, ông Phong lo lắng.

Nỗ lực vượt khó

Tại cuộc họp về điều hành XK gạo được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để tháo gỡ khó khăn, VFA nên hướng các doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường mới, nhiều tiềm năng qua việc kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tìm kiếm thị trường. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường… để nhanh chóng có biện pháp giải quyết lượng hàng tồn kho. Cùng với đó, phải định hướng nâng cao chất lượng thực hiện hợp đồng tập trung và có dự báo sớm cho các doanh nghiệp tham gia XK để tránh những thị trường có nguy cơ cao về phá hủy hợp đồng...

Về lâu dài, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương đang xây dựng quy chế trong nỗ lực tạo điều kiện tối ưu nhất cho doanh nghiệp XK gạo. Hiện Bộ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo nhằm góp phần kiện toàn, ổn định số lượng thương nhân kinh doanh XK gạo. Đây là biện pháp nhằm điều chỉnh số lượng doanh nghiệp đầu mối XK cho phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc điều hành… của hoạt động XK gạo. Khi quyết định có hiệu lực, những DN không đủ năng lực, điều kiện XK gạo sẽ được hạn chế và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến giá trị, thương hiệu của gạo Việt Nam sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Theo số liệu tính toán của VFA, 3 tháng cuối năm 2013, nhu cầu châu Phi nhập khẩu sẽ khoảng 3 - 3,5 triệu tấn, Indonesia có tiềm năng nhập khẩu từ 500 - 700.000 tấn. Trung Quốc sau khi trì hoãn nhập khẩu trong tháng 8 và 9, dự kiến sẽ trở lại thị trường từ tháng 10. Riêng Philippines, giá gạo trong nước sau thời gian tăng mạnh đã bắt đầu giảm do vụ mùa thu hoạch mới sắp đến nên khả năng nhập khẩu hạn chế, nhưng vẫn có thể cho tư nhân nhập khẩu.

“Ngoài việc nỗ lực đàm phán với những thị trường truyền thống nhằm gia tăng lượng gạo XK, chúng tôi cũng đang tích cực đàm phán với một số thị trường với hy vọng từ nay đến cuối năm 2013 sẽ mở thêm được một số thị trường mới cho hạt gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Quan trọng là chính bản thân doanh nghiệp tham gia XK phải quan tâm đến những việc làm cụ thể hướng đến kinh doanh bền vững như: Tăng nguồn lực vốn, đầu tư kho bãi, xây dựng vùng nguyên liệu…”, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận định.

Lê Nghĩa

Nguồn: baotintuc.vn

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.