Anh Trần Hồng Anh ước đôi tay có thể cử động linh hoạt để làm việc kiếm tiền nuôi con trai ăn học.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu, đặc biệt với những nạn nhân nhiễm chất độc dioxin. Để chia sẻ nỗi lòng và mong muốn được cộng đồng thấu cảm, anh Trần Hồng Anh ở thôn Chùa - xã Thuận Lộc - TX Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh đã viết một bức tâm thư đầy xúc động kể về cuộc đời và gia đình nạn nhân chất độc màu da cam của mình.
Nội dung bức thư như sau:
Tên tôi là: Trần Hồng Anh, sinh năm 1982, sống tại thôn Chùa - xã Thuận Lộc - TX Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh.
Bố tôi là Trần Hồng Tiến (1954) - một bệnh binh nhiễm chất độc hóa học. Năm 1974, bố tôi nhập ngũ tại chiến trường B - Đông Nam Bộ, tham gia chiến dịch Giải phóng miền Nam 1975. Những năm sau đó, ông tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ quốc tế đánh đuổi quân Khơ Me Đỏ tại Campuchia. Năm 1984, bố tôi xuất ngũ trở về với thương tật 61%.
Cả 3 anh em trong gia đình đều mắc chung chứng bệnh: Càng lớn lên, đôi chân càng yếu và teo dần.
Tôi là con cả trong gia đình, sau còn có 2 người em là: Trần Thị Lương (1987) và Trần Văn Đạt (1990). Cả ba anh em tôi lúc mới sinh ra đã bị dị tật. Hồi đầu, bố mẹ tôi nghĩ chúng tôi chỉ bị dị tật bẩm sinh mà không hay biết nguyên nhân là do chất độc màu da cam mà bố tôi nhiễm trong những năm tháng chiến tranh.
Suốt thời gian đi học từ cấp 1 cho đến đại học, ba anh em tôi đến trường bằng đôi chân tật nguyền. Cho đến năm 2004, khi tôi đang học năm thứ 3 (Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội) thì 2 chân và đùi teo lại, không thể tự đi lại. Với sự giúp đỡ của bạn bè, tôi cố gắng học tiếp và tốt nghiệp vào năm 2006.
Hiện tại, cuộc sống của anh và con trai dựa vào cha mẹ đã ngoài 60 tuổi.
Ra trường, tôi nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi nhưng đều bị từ chối vì đôi chân tật nguyền. May mắn đã đến với tôi vào giữa năm 2007 khi có người quen làm việc tại một công ty xây dựng ở Hà Nội cho tôi làm việc ở vị trí kế toán văn phòng. Học chuyên ngành kế toán nên tôi thành thạo vi tính, vì vậy tuy không tự đi lại được nhưng tôi vẫn làm tốt công việc sổ sách kế toán trên máy tính với đôi bàn tay của mình.
Năm 2010, tôi lập gia đình, sau đó vợ chồng đã sinh một cháu trai. Đến tháng 8/2012, bệnh tình của tôi đột nhiên chuyển biến xấu hẳn, 2 cánh tay bắt đầu cứng dần, không thể dơ lên hoặc duỗi thẳng ra, các ngón tay cũng tê dần. Lúc này, bố mẹ tôi vay mượn để đưa tôi đi chữa bệnh. Kết quả ngoài tật vẹo bàn chân, tôi còn bị bệnh nhược cơ và tật gai cột sống. Tôi phải sống chung với bệnh tật đến cuối đời.
Sau đó, vì hoàn cảnh khó khăn, vợ tôi đi xuất khẩu lao động sang Thái Lan, lúc này con tôi mới 18 tháng, gửi cho ông bà nội nuôi. Đến tháng 3/2014, công ty cho tôi nghỉ việc vì lúc này thao tác trên máy tính không đáp ứng được công việc. Đến tháng 10/2014 thì vợ tôi mất hẳn liên lạc.
Hàng ngày, anh vẫn tập vận động để làm chậm quá trình phát triển của bệnh tật.
Về 2 em của tôi, Lương tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Huế, còn Đạt tốt nghiệp Học viện Ngân hàng Hà Nội. Hai đứa cũng không xin được việc làm chỉ vì đôi chân tật nguyền. Lương sống bằng tiền dạy thêm Tiếng Anh tại nhà, còn Đạt vẫn đang cố gắng xin đi làm để kiếm sống. Cả 3 anh em cùng chứng bệnh như nhau, càng lớn lên 2 chân càng yếu, bị teo dần, vận động rất khó khăn. Theo kết quả khám bệnh thì 2 em của tôi đều bị tật gai cột sống S1, dẫn đến nhiều bệnh kéo theo như thoái hóa cột sống, thần kinh tọa...
Năm 2015, bố tôi quyết định làm hồ sơ gửi Sở LĐ-TB&XH xin giải quyết chế độ cho người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tháng 6/2016, Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Hà Tĩnh đã giám định 3 anh em tôi bị các dị tật bẩm sinh do liên quan đến chất độc hóa học. Tôi được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể là 85%, Lương và Đạt tổn thương 61%.
Nay, cả 3 anh em tôi vẫn tiếp tục tập luyện vật lý trị liệu, châm cứu để làm chậm quá trình phát triển của bệnh để phần nào giảm bớt gánh nặng cho 2 bố mẹ. Riêng tôi, chỉ mong ước các ngón tay có thể cử động linh hoạt trở lại để có thể làm thêm kiếm kiếm tiền cho con trai được đến trường mà không phải nghỉ học giữa chừng. Con trai tôi năm nay 7 tuổi, chuẩn bị lên lớp 2. Bố mẹ tôi, nay đã ngoài 60 tuổi vẫn phải nuôi và chăm sóc 3 đứa con tật nguyền và cháu nội...