Xung đột Israel - Hamas đe dọa thị trường dầu mỏ

Xung đột Israel - Hamas đang trở thành lực cản mới nhất trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu, đe dọa thị trường dầu mỏ và tiến trình toàn cầu hóa.

Xung đột Israel - Hamas đe dọa thị trường dầu mỏ

Tàn tích một ngôi nhà của người Palestine bị phá hủy trong các cuộc tấn công của Israel ở trung tâm Dải Gaza ngày 15-10 - Ảnh: REUTERS

Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với sự bất ổn to lớn từ hai cuộc xung đột Israel - Hamas và Nga - Ukraine. Giới quan sát lo sợ những xung đột hiện nay không chỉ đe dọa sự ổn định tại các khu vực nơi chiến sự đang diễn ra, mà còn ảnh hưởng xấu đến toàn thế giới.

Toàn cầu hóa bị đẩy lùi từ cuộc xung đột Israel - Hamas

Tiến trình toàn cầu hóa đã nở rộ trong một thế kỷ qua và đặc biệt phát triển khi Trung Quốc trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu. Song kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều người cho rằng những mối liên kết giữa các nền kinh tế đã bắt đầu suy yếu.

Theo một phân tích gần đây từ tập đoàn tài chính đa quốc gia Wells Fargo của Mỹ, việc Israel tuyên chiến với phong trào Hồi giáo Hamas có thể là chất xúc tác cho quá trình đẩy lùi toàn cầu hóa.

Ông Brendan McKenna, chuyên gia kinh tế quốc tế tại Wells Fargo, đánh giá xung đột Israel - Hamas đang khiến thế giới có nguy cơ bước lùi trong nỗ lực xây dựng liên kết toàn cầu.

“Sự rạn nứt địa chính trị này” sẽ dẫn đến hợp tác thương mại giữa các quốc gia giảm xuống. Các nước sẽ ít chia sẻ thông tin và công nghệ hơn, các thị trường tài chính cũng giảm liên kết, ông McKenna nói.

Vị chuyên gia trên còn lo ngại căng thẳng Trung Đông leo thang có thể tạo ra sự rạn nứt lớn hơn, ảnh hưởng đến một số cường quốc kinh tế khác.

"(Mỹ) ủng hộ Israel rất mạnh mẽ. Nếu các quốc gia khác như Trung Quốc đứng về phía bên kia, không ủng hộ Israel một cách rõ ràng, hoặc chọn bỏ phiếu trắng, tôi nghĩ có khả năng một số mối liên kết thương mại giữa Mỹ và các nước này có thể xấu đi", ông McKenna nhận định.

Chuyên gia kinh tế của Wells Fargo cũng cảnh báo việc toàn cầu hóa bị đẩy lùi sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong môi trường kinh tế toàn cầu, dẫn đến lạm phát và đẩy giá cả tăng cao.

Chính trị hóa thị trường dầu mỏ

Thị trường dầu quốc tế đã có biến động và giá dầu tăng lên kể từ khi cuộc chiến tại Dải Gaza bắt đầu.

Theo tạp chí Foreign Policy, trước khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ, giá dầu vốn tăng cao sau khi Nga và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đứng đầu là Saudi Arabia, cắt giảm sản lượng từ hồi cuối tháng 9 vừa qua.

Xung đột Israel - Hamas đe dọa thị trường dầu mỏ

Một xe tải chở nhiên liệu từ Israel đi vào Dải Gaza hồi tháng 8-2022 - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, Foreign Policy đánh giá mối lo ngại lớn nhất nằm ở những gián đoạn từ xung đột Israel - Hamas sẽ khiến thị trường dầu mỏ bị chính trị hóa sâu hơn.

Saudi Arabia đang chơi một ván cờ lớn. Trong khi đàm phán về thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông với Israel và Mỹ, Saudi Arabia từ chối mọi nỗ lực của Washington nhằm giữ giá xăng và khí đốt ở mức thấp. Điều này về cơ bản phù hợp với lợi ích của Nga.

Saudi Arabia cũng mở các kênh đàm phán với Trung Quốc, Foreign Policy chỉ ra.

Ngoài ra Foreign Policy nhận định “có một trò chơi địa chính trị lớn đang diễn ra ở đây”, đồng thời cho rằng Washington đang nhắm mắt làm ngơ trước hoạt động buôn bán dầu mỏ giữa Iran và Trung Quốc.

Theo tạp chí này, càng mua nhiều dầu từ Iran, Trung Quốc càng gây ít áp lực lên thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn bị Saudi Arabia và Nga hạn chế nguồn cung. Đây là cách Mỹ duy trì một thị trường ổn định, dù Washington đã áp lệnh trừng phạt đối với hoạt động mua bán dầu mỏ của Iran từ lâu.

Các chuyên gia lo ngại “cục diện mong manh” trên có thể bị phá vỡ nếu Israel hay Mỹ áp dụng chiến lược mạnh tay với Iran, giữa thời điểm xung đột Israel - Hamas leo thang như hiện nay.

Nếu kịch bản đó xảy ra, eo biển Hormuz, nơi 17 triệu thùng dầu đi qua mỗi ngày, có thể đóng cửa. Bóng ma “chiến tranh tàu chở dầu” kéo dài 8 năm giữa Iraq và Iran vào những năm 1980 có thể trở lại.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng những đối trọng như Mỹ và Saudi Arabia có thể giúp bình ổn giá dầu, dù không nhanh chóng.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.