Xung đột và thiên tai khiến số người phải sơ tán lên mức cao kỷ lục

Trong năm 2020, thế giới tiếp diễn những cuộc xung đột dai dẳng, đồng thời hứng chịu nhiều vụ bạo lực và bão lớn, khiến 40,5 triệu người phải sơ tán trong nước.

Xung đột và thiên tai khiến số người phải sơ tán lên mức cao kỷ lục

Người dân sơ tán tránh bão Molave tại tỉnh Manila, Philippines ngày 25/10/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Xung đột và thiên tai khiến số người phải rời bỏ nhà đi lánh nạn trong nước lên mức cao kỷ lục trong năm 2020, mặc dù hầu hết các nước trên thế giới áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 .

Theo báo cáo chung của Trung tâm giám sát dịch chuyển (IDMC) và Hội đồng người tị nạn Na Uy (NRC), trong năm 2020, thế giới tiếp diễn những cuộc xung đột dai dẳng, đồng thời hứng chịu nhiều vụ bạo lực và bão lớn, khiến 40,5 triệu người phải sơ tán trong nước.

Đây là số người lần đầu phải sơ tán trong nước cao nhất trong 10 năm, đưa tổng số người phải sơ tán lánh nạn ngay trong đất nước của họ trên toàn thế giới lên mức cao kỷ lục, tới 55 triệu người.

Trong một tuyên bố, Giám đốc IDMC Alexandra Bilak nhấn mạnh “cả 2 con số này đều cao bất thường trong năm nay,” đồng thời cho rằng làn sóng người dân phải sơ tán trong nước cao “chưa từng thấy.”

Hiện số người phải sơ tán trong nước cao hơn gấp đôi so với khoảng 26 triệu người phải sơ tán ra nước ngoài để lánh nạn.

Cũng theo bà Bilak, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều do việc thu thập dữ liệu gặp khó khăn hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành buộc các nước phải áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.

Đại dịch COVID-19 cũng làm trầm trọng hơn điều kiện kinh tế xã hội của những người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, do đó, con số này sẽ còn tăng cao hơn khi các nước lún sâu vào khủng hoảng kinh tế .

Người đứng đầu NRC Jan Egeland bày tỏ đau buồn khi các nước và các tổ chức quốc tế không thể bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xung đột và thảm họa.

Báo cáo cho thấy 75% số người phải đi sơ tán trong năm 2020 là nạn nhân của các thảm họa tự nhiên, đặc biệt là những thảm họa liên quan đến thời tiết cực đoan.

Mưa bão và lũ lụt đã xảy ra với tần suất cao tại những khu vực đông dân cư ở châu Á và Thái Bình Dương, trong khi Đại Tây Dương cũng ghi nhận bão lũ ở mức cao kỷ lục.

Mùa mưa kéo dài trên khắp Trung Đông và Nam Sahara của châu Phi cũng đã đẩy thêm hàng triệu người vào tình cảnh phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trong khi đó, gần 10 triệu người lần đầu phải sơ tán trong năm 2020 là do xung đột và bạo lực.

Bạo lực leo thang và sự gia tăng hoạt động của các nhóm cực đoan ở nhiều nước trong đó có Ethiopia, Mozambique và Burkina Faso, hay các cuộc xung đột dai dẳng ở Syria, Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo là nguyên nhân khiến số người phải sơ tán trong năm 2020 gia tăng ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Báo cáo cũng chỉ ra thực tế là sơ tán do thiên tai thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và người phải sơ tán có thể trở về xây dựng lại nhà cửa bị phá hủy hoặc hư hỏng khi bão, lũ qua đi, trong khi sơ tán do xung đột có thể kéo dài nhiều năm.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Tổng thống Mỹ Trump ra tối hậu thư đề nghị Nga giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong 50 ngày hoặc đối mặt mức thuế cao.
Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.