Cần chủ động phòng chống sốt xuất huyết khi chưa có dịch

Mùa mưa đang đến, cũng là lúc quần thể véc-tơ sốt xuất huyết (SXH), muỗi truyền bệnh SXH gia tăng, là tác nhân gây nên dịch SXH. Tại tỉnh ta, đến nay đã có 5 xã/3 huyện xuất hiện dịch và đang có nguy cơ lây lan cao.

Bắt đầu từ thôn Bình Dương, xã Thạch Hội (Thạch Hà), dịch SXH đã tiếp tục lan đến xã Cẩm Yên, Cẩm Lạc, Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) và Vượng Lộc (Can Lộc). Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng cho đến thời điểm này, qua theo dõi của chúng tôi, đã có hàng trăm ca mắc dịch.

Xã Thạch Hội (Thạch Hà) quyết liệt vào cuộc phòng chống SXH khi dịch đã lây lan mạnh

Một điều rất đáng ghi nhận là công tác phát hiện bệnh dịch được thực hiện rất kịp thời. Ngay sau khi có dịch, cơ quan chức năng và các địa phương đã tích cực phối hợp, khẩn cấp triển khai kế hoạch phòng chống dịch. Một thực tế khác đáng bàn là, cũng bắt đầu từ đây, ý thức phòng chống dịch của người dân mới được thức tỉnh. Chị Nguyễn Thị Vân, xã Vượng Lộc (Can Lộc) cho biết: Những năm trước đây, người dân cũng đã nhiều lần mắc dịch SXH. Và mỗi lần mắc dịch là mỗi lần bà con chúng tôi được phát động tiến hành tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, thả cá vào bể nước làm sạch bọ gậy. Tuy nhiên, sau khi không còn dịch nữa thì mọi việc “đâu lại vào đấy”, hầu hết người dân không còn ý thức đến “những việc cần làm” thường ngày để phòng chống dịch nữa. Năm nay, đến mùa, dịch lại đã xảy ra. Và chúng tôi lại tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy…

Không chỉ có ở Vượng Lộc mà hầu hết các địa phương đều ở tình trạng này. Năm nào, các địa phương cũng chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch nhưng tất cả chỉ nằm trên văn bản. Chỉ khi nào đã xuất hiện dịch mới thực sự vào cuộc.

Để phòng sốt xuất huyết, cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi chích (đốt), thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm, đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra. Thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy), dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước bình hoa mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi.

Dịch SXH đang diễn biến hết sức phức tạp. Dịch rất nguy hiểm. Theo ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục YTDP và Môi trường, SXH có tỷ lệ tử vong cao gấp nhiều lần so với cúm A/H1N1. Vì vậy, để chủ động phòng tránh, hạn chế thấp nhất các hậu quả do bệnh dịch gây ra, các địa phương cần vào cuộc khi chưa xuất hiện dịch. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, hướng dẫn cho người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống đơn giản thường ngày.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast