Chất lượng xét nghiệm tại bệnh viện công: Chưa đáp ứng yêu cầu!

(Baohatinh.vn) - Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Tĩnh, tại các bệnh viện trong tỉnh, hàng năm có khoảng 2,2 triệu lượt người khám bệnh, 147,3 nghìn lượt điều trị nội trú; thực hiện hơn 4,1 triệu mẫu xét nghiệm. Công tác xét nghiệm đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, so với yêu cầu, công tác xét nghiệm vẫn còn nhiều bất cập cần sớm khắc phục.

Chất lượng xét nghiệm tại bệnh viện công: Chưa đáp ứng yêu cầu! ảnh 1

Mặc dù có sự cải thiện về chất lượng nhưng so với yêu cầu, công tác xét nghiệm vẫn còn nhiều bất cập cần sớm khắc phục.

Về thực trạng cơ sở vật chất, ngoài Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lộc Hà, BVĐK thành phố Hà Tĩnh, Bệnh viện Tâm thần được đầu tư xây dựng mới nên chất lượng phòng xét nghiệm cơ bản đáp ứng yêu cầu, các bệnh viện còn lại, phòng xét nghiệm đều xuống cấp.

Toàn tỉnh hiện có 116 máy xét nghiệm thì chỉ 25 máy sản xuất sau năm 2010; 19 máy sản xuất trước năm 2005; 11 máy không rõ năm sản xuất; 26 máy xuất xứ từ Trung Quốc và Đài Loan; 103 máy bán tự động (chiếm 88,8%). Đối với loại máy bán tự động, độ chính xác không cao, thời gian chờ lâu, số mẫu thực hiện ít.

Toàn ngành Y tế có 124 cán bộ, viên chức làm công tác xét nghiệm, trong đó, trình độ sau đại học 2 người, bác sỹ chuyên ngành xét nghiệm 2 người, cử nhân sinh học 3 người. Riêng đội ngũ kỹ thuật viên, có 11 người trình độ đại học, 16 cao đẳng, còn lại là trung cấp và sơ cấp (90 trường hợp).

Hiện nay, đa số các bệnh viện chưa tuân thủ đầy đủ việc kiểm soát chất lượng và kiểm chuẩn thiết bị xét nghiệm. Các thiết bị chưa được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nên chất lượng xét nghiệm không đồng đều; chưa có kế hoạch đào tạo lại kỹ thuật viên. Nhiều đơn vị chưa có điều kiện đầu tư thiết bị hiện đại; nhiều thiết bị cũ không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Các xét nghiệm ký sinh trùng ở tất cả phòng thí nghiệm đều được thực hiện thủ công, chỉ có phòng xét nghiệm vi sinh BVĐK tỉnh dùng máy bán tự động để xét nghiệm sinh học. Việc đầu tư máy xét nghiệm hay liên doanh giữa bệnh viện và các đơn vị cung cấp thiết bị chưa được giám sát về chất lượng cũng như cấu hình, dẫn đến tình trạng có nơi được trang bị máy móc nhưng không sử dụng hết công năng; có nơi sử dụng máy liên doanh đã cũ nhưng không qua kiểm định.

Chất lượng xét nghiệm tại bệnh viện công: Chưa đáp ứng yêu cầu! ảnh 2

BVĐK thành phố Hà Tĩnh là một trong số ít cơ sở y tế trong tỉnh có cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị khá hiện đại và chất lượng phòng xét nghiệm cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Một cán bộ làm công tác quản lý xét nghiệm tại bệnh viện cho biết: Do thiếu cán bộ kỹ thuật nên các máy xét nghiệm không được bảo dưỡng, kiểm định định kỳ. Nhiều máy chưa một lần được kiểm tra, bảo dưỡng. Đây chính là nguyên nhân làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Việc bảo quản hóa chất cũng vậy, phần lớn các bệnh viện chưa thực hiện tốt, dẫn đến chất lượng xét nghiệm không đảm bảo, kết quả chênh lệch so với các cơ sở khác. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các phòng xét nghiệm cũng chưa được tuân thủ chặt chẽ; nhiều phòng chưa đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân viên, bệnh nhân và tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết: Để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm tại các bệnh viện theo quy định, ngành Y tế đã xây dựng đề án “Chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm tại các bệnh viện công lập giai đoạn 2015-2020”. Theo đó, ngành sẽ nâng cấp và cải tạo 47 phòng xét nghiệm với diện tích 1.050 m2, đạt tiêu chuẩn về xây dựng, thiết kế theo tiêu chuẩn 52 TCN-CTYT 0037:2005: tiêu chuẩn thiết kế khoa xét nghiệm BVĐK - tiêu chuẩn ngành; trang bị 67 máy xét nghiệm thiết yếu cho các bệnh viện, gồm 33 máy xét nghiệm huyết học, 27 máy sinh hóa, 6 máy xét nghiệm miễn dịch, 2 máy xét nghiệm vi sinh tự động và 1 labo vi sinh tại BVĐK tỉnh. Về nhân lực, sẽ đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn theo phương châm “xứng tầm, chất lượng, an toàn, bền vững và hiệu quả”. Sở Y tế đã trình đề án đến các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đề án “Chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm tại các bệnh viện công lập giai đoạn 2015-2020” được triển khai sẽ thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện (trong thời gian cho phép). Các bệnh viện trong tỉnh công nhận, sử dụng kết quả của nhau, giảm phiền hà, tốn kém cho người bệnh và xã hội. Mặt khác, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; thực hiện được các kỹ thuật cao về xét nghiệm, giảm tải cho tuyến trên.

Về mặt xã hội, đề án sẽ tăng cường sự phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, hạn chế sự bức xúc và phản ứng tiêu cực xã hội trong môi trường bệnh viện; tạo sự hài lòng của người bệnh thông qua chất lượng dịch vụ, giảm hậu quả của việc chẩn đoán sai, rút ngắn thời gian và giảm chi phí khám chữa bệnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast