Đằng sau sự lặng thầm ấy...

(Baohatinh.vn) - Họ có cả một đội ngũ thầy thuốc trẻ, khỏe, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát. Họ đã lấy lòng bệnh nhân bằng công việc phục vụ thầm lặng hàng ngày. Càng thêm năm tháng, càng giàu kinh nghiệm nhằm thu dung người bệnh trước những thử thách mới.

Sản phụ vừa vượt cạn mà chúng tôi gặp là Hoàng Thị Tâm (24 tuổi, quê xã Xuân Lộc, Can Lộc) đang nằm cạnh con gái mới sinh. Chị Tâm đắp một chiếc chăn mỏng, khuôn mặt đã hồng lên, nói cười, kể chuyện với khách rất tự nhiên. Mẹ của sản phụ là một bà cụ nông dân gầy guộc và chân thật: “Đây là lần thứ hai tôi đưa dâu và con đến sinh ở bệnh viện này. Ca đẻ mô cũng thấy các y, bác sỹ chu đáo cả”.

dang sau su lang tham ay

Các bác sỹ BVĐK Thạch Hà phẫu thuật nội soi sỏi túi mật cho một bệnh nhân

Tiếp cận với các y tá điều dưỡng tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thạch Hà, toàn thấy các nhân viên trẻ, tác phong hoạt bát. Nhưng khi tôi hỏi về công việc, họ lại rụt rè và rất kiệm lời. Chỉ đồng nghiệp trong đơn vị “mách nước” mới thấu hiểu áp lực công việc của họ “ngày không giờ, tuần không thứ”, kể cả trong giờ phút đón giao thừa thiêng liêng hay đêm mưa bão.

Nhiều năm qua, BVĐK Thạch Hà đã đưa nhiều “con thuyền mắc cạn” tới bến an toàn. Gần đây nhất, sản phụ Trần Thị Anh (Thạch Trị) do những sự cố đặc biệt về thai nghén nên bị mất máu nhiều, nếu không được tiếp máu kịp thời, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Ngay lập tức, một cán bộ cùng nhóm máu đã giúp chị thoát khỏi cơn nguy kịch. Hơn ai hết, họ thấm thía rằng: “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” nên lúc cần hỗ trợ, họ đều sẵn sàng. Chỉ tính riêng năm 2016, trong tập thể bệnh viện đã có 9 người tham gia hiến máu, cứu sống 5 bệnh nhân.

Câu chuyện bác sĩ Trần Văn Bình - Giám đốc BVĐK Thạch Hà thuật lại cho tôi nghe mà “sởn gai ốc”: Cách đây 1 tháng, anh bạn của tôi dẫn vào phòng và giới thiệu: Đây là em gái tôi, không hiểu sao bụng ngày một phình to, đã gần 9 tháng rồi. Người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Chiến (44 tuổi, quê xóm Yên Thọ, xã Hộ Độ, Lộc Hà). Một lát sau, tại phòng khám, các y, bác sĩ đã kịp thời thông báo cho anh ruột của bệnh nhân là phát hiện khối u nang buồng trứng bên phải rất lớn, chiếm gần hết ổ bụng. Nguy hiểm nhất là khối u này đã chèn ép vào đại tràng, thận, nếu không mổ kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sinh mạng người bệnh. Người nhà chấp nhận theo ý kiến bác sĩ và ca mổ được tiến hành trong 2 tiếng đồng hồ. Phải vất vả lắm, kíp mổ mới hút hết gần 10 lít nước dịch màu vàng, bóc tách khối u nặng tới 10 kg. Được các y, bác sĩ chăm sóc chu đáo nên chỉ một tuần lễ, nhanh chóng phục hồi sức khỏe và xuất viện trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình”.

Trở lại câu chuyện bên bàn mổ, bác sĩ Nguyễn Thế Phiệt - Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Cấp cứu - Nhi tiết lộ với tôi nhiều thông tin mới mẻ: Hiện nay, bệnh viện đã đưa khu nhà kỹ thuật vào hoạt động. Đây là một khu cơ cấu 3 phòng mổ, kèm theo phòng hậu phẫu gây mê hồi sức. Nhờ lắp đặt các trang thiết bị hiện đại và chủ động mời các giáo sư, bác sĩ giỏi ở Bệnh viện Trung ương Huế về chuyển giao kỹ thuật, bây giờ, bác sĩ Trần Hữu Ngọc - một trong những bác sĩ trẻ có năng lực, đã lĩnh hội và thực hiện thành công phương pháp phẫu thuật nội soi tiêu hóa, phẫu thuật kết hợp xương đùi, xương đòn, xương cẳng chân. Từ khi triển khai phẫu thuật nội soi, số lượng bệnh nhân tăng gấp 3 lần so với phương pháp “mổ banh”. Đặc biệt, trẻ em, hay các bậc cao niên bị viêm ruột thừa đều được bệnh viện xử lý thành công. 9 tháng năm 2016, BVĐK Thạch Hà đã phẫu thuật thành công 1.079 lượt bệnh nhân (trong đó, hàng trăm ca sử dụng phương pháp nội soi). Thành công của từng ca mổ không chỉ nâng “vị thế” của người thầy thuốc ở bệnh viện tuyến huyện, mà còn giảm phiền hà cho bệnh nhân khi phải làm thủ tục chuyển lên tuyến trên.

Càng đi sâu vào bệnh viện từ phòng khám, đến nơi ở bệnh nhân, bếp ăn tập thể, chỗ nào cũng sạch sẽ, có thùng đựng rác. Một “bệnh viện sạch” để hành trình tới một “bệnh viện xanh” đã được hoạch định. Nhiều cây xanh được đưa về quây quần quanh hòn non bộ, đài phun nước và ghế đá cho bệnh nhân ngồi thư giãn.

Dù đã cố gắng đổi mới toàn diện, nhưng tôi hiểu, trong bối cảnh mới, BVĐK Thạch Hà không phải không gặp những khó khăn lớn trong việc thu dung bệnh nhân. Bệnh viện vẫn đang trong tình trạng “lực bất tòng tâm”, như nợ phát sinh tiền quỹ BHYT lên tới gần 8 tỷ đồng. Trong điều kiện thực hiện cơ chế thông tuyến, lại bị không ít bệnh nhân “trục lợi” quỹ BHYT như hiện nay thì dù đơn vị nào quá tải “bệnh nhân” cũng không có thêm nguồn thu nhập cho đội ngũ thầy thuốc và nguy cơ “phình nợ” quỹ BHYT lại càng lớn. Điều trị người bệnh theo yêu cầu chưa dễ triển khai trong khi sự cạnh tranh ngày càng lớn khiến những đơn vị cấp huyện như Thạch Hà đủ “sức khỏe vươn vai” còn rất khó.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast