Đồng hành với niềm vui người bệnh

(Baohatinh.vn) - Năm 2013 khép lại, với ngành Y tế có nhiều dư luận khác nhau. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, khách quan, rất nhiều kết quả mà toàn ngành đã đạt được. Nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao được triển khai tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB); thêm nhiều bệnh nhân được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay trong tỉnh.

Với bệnh nhân, hiếm khi chúng ta được thấy nụ cười của họ bởi nỗi đau bệnh tật luôn giày vò thể chất và tinh thần. Bệnh nhân Hà Duy Trình (xóm 1, Tiến Lộc, Can Lộc) cũng vậy. Tôi gặp anh tại Khoa Tim mạch và Lão học - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh khi anh đang ngồi trên chiếc xe đẩy để đi siêu âm với vẻ hao gầy, mệt mỏi. Tuy nhiên, khi nhắc đến ca mổ đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn thì như được tiếp thêm sức mạnh, anh nở nụ cười tươi: “Tuyệt vời lắm! Tôi vừa đặt máy sáng nay, nhưng giờ đã thấy khá hẳn”.

Bác sỹ Trần Hữu Thế, chuyên gia xương khớp ở Pháp thăm khám cho bệnh nhân BVĐK thành phố.
Bác sỹ Trần Hữu Thế, chuyên gia xương khớp ở Pháp thăm khám cho bệnh nhân BVĐK thành phố.

Vợ chồng anh làm nghề nông. Nhà có 5 người nhưng chỉ có 3 sào ruộng. Anh phát hiện bị bệnh tim cách đây 5 năm. Không có tiền, nhưng lần lữa mãi, anh chị cũng quyết định vay mượn để ra Hà Nội thay van tim nhân tạo. Tháng 3/2013, ca phẫu thuật được tiến hành tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, chi phí hết 86 triệu đồng, chưa tính các khoản khác. Sau đó, anh không có điều kiện trở lại bệnh viện để tái khám bởi kinh tế gia đình đã khánh kiệt. Gần đây, đột nhiên, anh thấy chóng mặt không thể chịu nổi, hơi thở gấp nên phải khăn gói vào BVĐK tỉnh. Sau khi thăm khám, bác sỹ thấy nhịp tim anh có vấn đề nên đã tư vấn cho anh đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.

Anh Trình cho biết: “Vì van tim của tôi là van tim cơ học nên bác sỹ rất vất vả. Phải mất 4 tiếng đồng hồ mới đặt xong. Máy tạo nhịp tim vĩnh viễn hơn 50 triệu đồng, nhưng BHYT hộ nghèo chi trả 95%. Không gì vui bằng, nếu không có BVĐK tỉnh can thiệp, hoàn cảnh như chúng tôi chỉ biết chờ chết”…

Với chị Lê Thị Hòa (khối phố Tân Yên, phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh), cơ hội được can thiệp bệnh tật ngay tại cơ sở y tế gần nhà cũng đưa lại niềm vui không kém. Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm, chị phải đi làm thuê, làm mướn nuôi 2 con nhỏ. Cách đây mấy năm, chị bị đổ bệnh. Mỗi lần thăm khám, các cơ sở KCB trong tỉnh đều chuyển chị ra tuyến T.Ư để can thiệp. Chị cũng đã ra Hà Nội mấy lần, nhưng chỉ thăm khám và lấy thuốc về uống chứ không có điều kiện phẫu thuật. Rất may, gần đây, Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh phối hợp với Bệnh viện T.Ư Huế triển khai phẫu thuật nội soi. Nhờ vậy, chị có cơ hội chữa bệnh. Chị Hòa phấn khởi: “Giờ tui đã khỏe rồi, da không còn vàng như nghệ nữa. Tuy còn hơi đau vết mổ, nhưng nói chung là đã an tâm hơn”...

Và còn rất nhiều niềm vui khác của các bệnh nhân khi được thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở KCB trong tỉnh, đặc biệt, đối với các bệnh nhân nghèo. Trong năm qua, các cơ sở KCB trong toàn tỉnh đã nỗ lực vì mục tiêu này. BVĐK tỉnh triển khai thêm kỹ thuật thay máu trẻ sơ sinh, nút mạch điều trị ung thư gan, dẫn lưu não thất, đo áp lực nội soi, đo áp lực động mạch liên tục, điều trị nội khoa chửa ngoài tử cung bằng thuốc Methotrexate. Các BVĐK tuyến huyện cũng triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới như Thạch Hà, TP Hà?Tĩnh, Kỳ Anh đưa phẫu thuật nội soi vào phục vụ. BVĐK Kỳ Anh triển khai thêm phẫu thuật kết hợp xương đùi, sốc điện, đo chức năng hô hấp; Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng triển khai điều trị sóng ngắn, giảm đau, chống viêm, laze châm…

Phát triển các kỹ thuật chuyên sâu đồng hành với niềm vui của người bệnh, bên cạnh đó còn có vai trò trong việc giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đó cũng chính là mục tiêu hàng đầu mà các cơ sở KCB trong tỉnh đã và đang hướng tới. Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn cho biết: Thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo nội dung này, trong đó, chú trọng khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là ứng dụng khoa học, công nghệ mới, các tiến bộ kỹ thuật mới về hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, phẫu thuật nội soi, vi phẫu thuật, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin; tăng cường kết nối với các bệnh viện tuyến T.Ư nhằm phát triển kỹ thuật chuyên sâu, chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu KCB của người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast