Giải pháp nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường

Trạm y tế xã, phường có vai trò rất lớn đối với việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhất là ở những nơi xa bệnh viện. Nguyên nhân chính là do cơ sở vật chất xuống cấp và thiếu thốn nghiêm trọng. Có giải quyết được vấn đề này mới đưa được các dịch vụ y tế đến với người dân tốt hơn.

Xã... chờ dự án!

Theo dự tính của UBND xã Thạch Kênh, khi có trụ sở mới, cơ sở này sẽ tiếp tục bị bỏ
Theo dự tính của UBND xã Thạch Kênh, khi có trụ sở mới, cơ sở này sẽ tiếp tục bị bỏ

Nằm lọt thỏm trên một bãi đất mênh mông, không tường rào, không sân nhà, nếu như không phải là dân địa phương thì khó ai có thể nhận ra đấy là một cơ sở y tế. Tiếp chuyện với tôi, ông Võ Xuân Thao - Trạm trưởng trạm y tế xã Kỳ Thư (Kỳ Anh) bức xúc: “Nói là trạm chứ có ra trạm đâu cô. Đấy, dãy nhà cấp 4 ấy đã trập hết. Nếu mưa thì trong cũng như ngoài. Hôm trước mưa, gió tôi sợ quá nên kêu xã, xã cho một cột đòn tay về chống đỡ kẽo trập. Từ 7,8 năm này nó đã như thế rồi. Còn duy nhất 3 phòng này, tất thảy mọi hoạt động đều cho vào đây”. 3 phòng chật hẹp, vừa làm phòng trực, vừa bỏ tủ thuốc, vừa làm phòng KCB, đỡ đẻ, hậu sản... Có lẽ, không cần phải chứng kiến, chúng ta cũng dễ hình dung sự bất cập của nó. Ông Thao cho biết, chỉ nói riêng về sản, nếu như hai sản phụ cùng đến sinh một lúc thì buộc chúng tôi phải cho chuyển lên tuyến trên một. Còn những bệnh nhân thông thường thì hầu hết là cử cán bộ đi phục vụ tại nhà. Về trang thiết bị phục vụ cũng “u ám” không kém, cả trạm duy nhất chỉ được một ống nghe, một máy đo huyết áp và một bộ khám chuyên khoa. Giường dành cho bệnh nhân thì có 4 chiếc (nhận viện trợ) nhưng... cả 4 chiếc đang sắp chồng lên vì không có phòng đặt. Tôi hỏi về kế hoạch xây dựng, ông Thao chán nản: Kêu hoài kêu mãi rồi. Cho đến giờ, xã vẫn chỉ có một câu trả lời: Không có ngân sách, chờ...dự án!

Trạm trưởng y tế xã Thạch Kênh (Thạch Hà) Phạm Thị Kim Oanh cũng có những bức xúc không kém. Chị Oanh than thở: Cũng là một trạm xá như bao trạm khác, chịu trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ ban đầu trước 5000 người dân, vậy nhưng... không có điều kiện để hoạt động. Cứ kéo dài như thế này thì đối tượng chịu thiệt thòi lớn nhất vẫn là người dân. Vừa rồi, huyện có chương trình CSSK người cao tuổi cho các xã Bắc Thạch Hà, vậy nhưng Thạch Kênh không được. Cũng chỉ do điều kiện cơ sở vật chất của trạm vì có đưa về địa phương cũng không đủ điều kiện để triển khai”. Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện thì có một người dân đi vào. Chị bị một chiếc chân sưng tấy. Chị Oanh và bệnh nhân nhanh nhảu đưa nhau vào phòng thăm khám. Như hiểu được mục đích đến trạm của tôi, chị bệnh nhân nói: “Em được chứng kiến rồi đó, có ở đâu như ở đây không, chị đau chân nhưng lại phải vào phòng hậu sản để khám. Hôm nay là may mắn đấy em ạ, nếu như có một sản phụ nằm đây thì tất cả những bệnh nhân khác đều phải ở ngoài ghế ấy. Nếu ai có điều kiện hơn thì họ lại lên huyện”. Chiếc ghế mà chị bệnh nhân nói là một chiếc ghế dài được làm bằng gỗ, dùng dành cho cán bộ CNV làm việc ở phòng truyền thông. Tuy nhiên, đã khá lâu, vô hình trung nó đã trở thành chiếc giường bệnh để phục vụ người dân. Sự bất cập thì đã rất rõ nhưng điều đáng bàn hơn là câu chuyện đằng sau đấy. Giải thích về việc chậm đầu tư cho y tế với tôi, ông Nguyễn Thiện Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh quanh co: Chuyện này có “lịch sử” của nó. Ngân sách xã mấy năm vừa rồi đang phải tập trung giải quyết bức xúc cho người dân. Trước đây, xã bán đất cho dân nhưng chưa cấp sổ đỏ. Đất bán hồi đó thì rẻ nhưng giờ làm sổ đỏ thì chi phí cao. Riêng đợt vừa rồi phải mất khoảng 400 triệu lo việc này. Bởi vậy, xã chưa cân đối được ngân sách. Riêng trạm xá cũng có “lịch sử” riêng. Trước đây, trạm vốn ở đằng sau, nơi trường mầm non bây giờ. Năm 1995, được sự đầu tư của một dự án, trạm dời dịch lên một đoạn, bỏ cơ sở cũ. Đến năm 2003, trạm tiếp tục được tiếp nhận dự án ODA. Dự án lại tiếp tục được thực hiện trên một khuôn viên mới, cách đó một đoạn, nằm luôn trong khuôn viên UBND xã. Năm 2004, dựa án bàn giao ngôi nhà với 5 phòng làm việc. Trạm lại tiếp tục bỏ cơ sở cũ, làm việc trong cơ sở mới này.

Phòng khám xuống cấp với toàn bộ số cửa chính bị bung hết bản lề của Trạm Y tế Xã Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh)
Phòng khám xuống cấp với toàn bộ số cửa chính bị bung hết bản lề của Trạm Y tế Xã Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh)

Ông Chung dẫn tôi ra thăm 2 cơ sở cũ, đều nằm sát ngay phía sau lưng. Sự phá bỏ chưa xoá hết được dấu tích. Nhất là ngôi nhà dự án được xây dựng năm 1995, nền móng vẫn còn in nguyên. Giá như... cả hai dự án đầu tư này được xây ghép trong một khuôn viên. Giá như... không đập phá đi cơ sở cũ ấy... Thì ra, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất bấy lâu nay của trạm không phải do không có đầu tư mà chỉ do tầm nhìn và sự tắc trách của UBND xã. Điều đáng buồn nữa, mặc dù hiện xã chưa thể cân đối được ngân sách để đầu tư cho y tế, vẫn còn trông chờ vào dự án nhưng “bánh xe đổ” đang có nguy cơ lặp lại. Ông Chung cho biết: Xã đã qui hoạch cho trạm xá xã ra khu vực phía sau, khuôn viên rộng hơn. Còn chỗ trạm này dự kiến sẽ xây dựng hội trường. Xã đang cần một hội trường lớn để hội họp!?

Như vậy, vì sao trạm xá xã Thạch Kênh lại phải làm việc trong điều kiện chật hẹp, thiếu thốn thì đã rõ. Thiệt thòi nhất vẫn là người dân. Không biết đến bao giờ họ mới được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế mà không phải vất vả đi lên tuyến trên. Tạm biệt tôi ra về, chị Oanh trạm trưởng vẫn không quên gửi gắm: Sắp tới trạm sẽ có hai bác sỹ đi học về nhưng nếu vẫn cứ môi trường này liệu họ sẽ phát huy được gì, có yên tâm làm việc không? Mong sao địa phương được tiếp nhận thêm dự án để chúng tôi có điều kiện hoạt động, để người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế chứ chờ xã thì không biết đến bao giờ!?

Đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng hoạt động

Một thực tế rất rõ ràng là ở tất cả các trạm xá xã, phường hoạt động chất lượng tốt đều có sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương và có sự đầu tư đúng mực. Trạm y tế xã Thạch Tân (Thạch Hà) là một điển hình. Nằm trên địa bàn gần thành phố, gần các bệnh viện tuyến trên, các phòng khám tư nhân, vậy nhưng trạm vẫn luôn đông bệnh nhân. Bình quân trạm khám và điều trị từ 900 đến 1000 lượt người/tháng, trong đó có khoảng 45 đến 50 bệnh nhân điều trị nội trú. Điều đặc biệt, mặc dù hiện trạm không còn thực hiện khám BHYT nhưng bệnh nhân có BHYT vẫn đến khá đông.

Trạm y tế Thạch Tân đang xây dựng khu KCB và điều trị nội trú với đầu tư 1 tỷ 350 triệu đồng
Trạm y tế Thạch Tân đang xây dựng khu KCB và điều trị nội trú với đầu tư 1 tỷ 350 triệu đồng

Chị Nguyễn Thị Dung trú tại xóm Văn Minh đang điều trị cho con trai tại trạm cho biết: “Cháu có BHYT nhưng tôi vẫn cho cháu đến đây KCB tự nguyện. Ở đây có bác sỹ, cơ sở vật chất lại đầy đủ, giá cả cũng phải chăng. Nếu không cần thíêt phải lên tuyến trên thì đến đây tiện hơn chứ chuyển vất vả”. Bác sỹ Lê Quang Huy - Trạm trưởng Trạm chia sẻ: Điều quan trọng là phải tạo được niềm tin trong người dân. Mà để tạo được niềm tin, ngoài tâm huyết của cán bộ, lấy hoạt động chuyên môn làm đầu còn phải có điều kiện để phát huy. Hàng năm, chúng tôi đều chủ động tham mưu cho UBND xã, đặc biệt là đưa vào bàn trong các kỳ họp HĐND để đưa vào NQ của Đảng. Năm 2003, trạm đạt chuẩn y tế quốc gia. Từ đó đến nay, trạm không ngừng đầu tư thêm cơ sở vật chất và TTB. Trạm vừa mở rộng thêm khuôn viên (lên gần 2000m2) và khởi công xây dựng thêm một toà nhà 2 tầng với qui mô 12 phòng dành riêng cho khu vực khám và điều trị. Dự kiến khoảng đầu quý II năm 2010 sẽ đưa vào phục vụ. Ngoài cơ sở vật chất, để đáp ứng nhu cầu người dân, trạm chủ động hợp đồng thêm cán bộ. Anh Huy tâm sự: “Nếu như được chính quyền quan tâm, có cơ sở vật chất thì một bác sỹ làm việc tại tuyến xã vẫn có thể phát huy được các kiến thức của mình, người dân thì thuận tiện, còn cán bộ thì yên tâm làm việc”.

Như vậy, để trạm y tế nâng cao được chất lượng hoạt động điều tất yếu là phải đảm bảo được điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất. Qua tìm hiểu của chúng tôi, được biết, đến nay, đội ngũ nhân lực làm việc tại các trạm y tế về cơ bản đã được bổ sung. Hiện đã có 151/262 trạm xá xã, phường có bác sỹ. Dự kiến khoảng 3, 4 năm nữa sẽ phủ kín được mạng lưới bác sỹ xã. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay vẫn là cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ. Vẫn còn rất nhiều trạm y tế xuống cấp nghiêm trọng mà chưa có đầu tư. Bên cạnh đó, những trạm y tế đã đạt chuẩn từ năm 2003 đến nay cũng đang xuống cấp trầm trọng; các trang thiết bị, dụng cụ y tế thiết yếu hầu hết tại các trạm đều hư hỏng, lạc hậu. Thiết nghĩ, đã đến lúc tỉnh, các ngành chức năng cần có sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều hình thức như trích ngân sách hỗ trợ; kiểm tra, đôn đốc sự vào cuộc của các chính quyền địa phương; phân bổ các chương trình, dự án hợp lý, có sự giám sát; thực hiện xã hội hoá... áp dụng phù hợp với đặc thù cụ thể của từng địa phương. Có giải quyết được vấn đề này mới đưa được các dịch vụ y tế đến tận người dân; khích lệ được tinh thần làm việc của các bác sỹ tại tuyến xã; giúp giảm tải tuyến trên; góp phần quan trọng giám sát, quản lý, ổn định được các mô hình bệnh tật, nhất là các loại dịch bệnh ngay tại tuyến cơ sở.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast