Đề xuất người bệnh nặng được "vượt tuyến", không cần giấy chuyển viện

Bộ Y tế đề xuất người mắc bệnh hiểm nghèo, hiếm, nặng sẽ được chuyển thẳng cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đề xuất này nằm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được Bộ Y tế xây dựng, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 năm nay.

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết hiện thủ tục chuyển tuyến vẫn còn nhiều bất cập gây phiền hà cho người tham gia BHYT. Vì vậy, trong dự thảo lần này, Bộ Y tế đã có những đề xuất nhằm giảm các thủ tục, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Theo đó, dự thảo bổ sung quy định với trường hợp người bệnh được xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao sẽ được đến trực tiếp cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh BHYT, nhưng vẫn được hưởng BHYT mức cao nhất. Theo danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bao gồm 42 loại bệnh như ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt...

Thực tế, đa số trường hợp mắc bệnh nan y, tuyến xã và huyện không thể điều trị. Nhưng người bệnh vẫn phải làm theo thủ tục, đến các cơ sở y tế để làm giấy tờ chuyển tuyến mới được hưởng BHYT. Điều này gây phiền hà, thậm chí nhiều người không đủ kiên nhẫn, thời gian chờ đợi mà bỏ tiền túi khám dịch vụ, mất đi quyền lợi hưởng BHYT. Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất với nhóm này, người bệnh có thể đến thẳng cơ sở y tế có chuyên môn để được khám chữa bệnh mà không cần chuyển tuyến.

"Quy định này vừa thuận tiện cho người dân, vừa tránh phát sinh khám chữa bệnh trùng lặp 2 lần, tức là vừa khám ở tuyến dưới, đồng thời khám lại ở tuyến trên khi chuyển viện", bà Trang nói, thêm rằng danh mục bệnh được "vượt tuyến" sẽ được nghiên cứu cụ thể, "phải là những bệnh thực sự chỉ tuyến trên mới có thể điều trị được, đảm bảo không xảy ra tình trạng quá tải cho tuyến cuối".

Dự thảo cũng đề xuất một số trường hợp dù đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bất kỳ đâu nhưng nếu khám chữa bệnh ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện cũng hưởng 100% quyền lợi. Đây là điểm khích lệ người bệnh đến với các cơ sở y tế ban đầu.

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Bà Trang cho biết mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung luật lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh, đồng thời tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, bảo đảm thống nhất với luật, quy định khác. Vì vậy, việc điều chỉnh một số phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng và yêu cầu chăm sóc sức khỏe là bài toán vô cùng khó khăn, làm sao để không làm tăng bất thường quỹ BHYT. Dự thảo lần này đãbỏ đề xuất mở rộng phạm vi chi trả BHYTcho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh là ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B.

Góp ý về mở rộng phạm vi hưởng khi khám, chữa bệnh BHYT, ông Nguyễn Tất Thao, Phó trưởng ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết, bảo hiểm xã hội ủng hộ mở rộng quyền lợi với người bệnh, nhưng Bộ Y tế cần có đánh giá tổng thể, mỗi chính sách mở rộng thì quỹ BHYT sẽ chi trả thêm bao nhiêu, có đảm bảo cân bằng thu - chi quỹ BHYT.

Hết năm 2023, tổng quỹ BHYT kết dư từ trước đến nay là 40.000 tỷ đồng, trong đó 33.000 tỷ đồng kết dư trong Covid-19. Như vậy, kết dư quỹ BHYT chủ yếu là do giảm chi trong 3 năm xảy ra dịch bệnh. Còn lại các năm khác hầu như đều âm, theo ông Thao.

vnexpress.net

Đọc thêm

Khẳng định vị thế cơ sở y tế đầu ngành ở Hà Tĩnh

Khẳng định vị thế cơ sở y tế đầu ngành ở Hà Tĩnh

Việc duy trì, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu và đưa vào hoạt động trung tâm xạ trị đã thể hiện sự nỗ lực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong việc khẳng định vị thế cơ sở y tế đầu ngành của tỉnh.
Tiếp tục chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển

Tiếp tục chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển

Năm 2025, ngành dân số Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số… góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.
Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Với nhiều chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thực sự là động lực thúc đẩy công tác dân số trên địa bàn Hà Tĩnh phát huy hiệu quả.
Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Thông qua triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Hà Tĩnh, người dân sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị mà Đại danh y để lại.