Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam nói gì về vụ ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua?

Vụ ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua khiến 1 người tử vong, 10 người nhập viện đang thu hút sự chú ý của dư luận. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam để hiểu rõ hơn về vụ việc và biện pháp ngăn chặn các ca ngộ độc có thể xảy.

- Thưa ông, vì sao món cá chép muối ủ chua của người dân lại nguy hiểm như vậy?

TS.BS Mai Văn Mười: Món cá chép muối ủ chua khiến 1 người dân tử vong và nhiều người phải nhập viện ở 3 xã Phước Đức, Phước Kim và Phước Chánh thuộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum nên gây ra ngộ độc.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam nói gì về vụ ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua?

TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam.

Vi khuẩn Clostridium botulinum tồn tại nhiều ở ngoài môi trường và có thể lẫn trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, lúc này vi khuẩn ở dạng có vỏ bọc chịu đựng tốt với đun nấu thông thường (gọi là bào tử).

Vi khuẩn có đặc điểm kỵ khí (chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí), không phát triển được trong môi trường chua (pH<4,6), mặn (nồng độ muối ăn >5%).

Như vậy, các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn (quy trình sản xuất không đảm bảo), sau sản xuất thực phẩm được đóng gói kín như chai, lọ, hộp, lon, túi, trong khi đó không đủ độ chua, độ mặn như trên thì rõ ràng tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố botulinum.

Đây là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm, trước đây hay gặp ngộ độc thịt hộp, tuy nhiên các thực phẩm khác như rau, củ, quả, thịt, hải sản,… nếu được sản xuất chế biến và bảo quản không đúng cách đều có thể gây ngộ độc độc tố Clostridium botulinum.

- Vụ ngộ độc xảy ra ở huyện Phước Sơn vừa qua có phải là vụ ngộ độc thực phẩm lớn lần đầu xuất hiện ở tỉnh hay không, thưa ông?

TS.BS Mai Văn Mười: Xét về số người mắc, tử vong và tính chất nghiêm trọng của ngộ độc thực phẩm, năm 2018, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm làm 19 người mắc, 6 người tử vong, 1 người di chứng mù mắt. Cụ thể:

+ 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Nam Giang với 16 người mắc, trong đó 4 người tử vong, 1 người di chứng mù mắt. Nguyên nhân của vụ ngộ độc nghi do rượu có chứa methanol.

+ 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Nam Trà My với 3 người mắc, trong đó 2 người tử vong. Nguyên nhân của vụ ngộ độc do độc chất Koumine, Gelsemine (rượu ngâm rễ cây rừng).

Vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Phước Sơn vừa qua là vụ ngộ độc thực phẩm rất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Lý do, 2 vụ xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn, số người mắc nhiều, người mắc có những triệu chứng nặng và diễn biến nhanh, phức tạp và có 01 người tử vong mặc dù đã được điều trị tích cực.

- Tỉnh Quảng Nam là địa phương có nhiều vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc và có các món ăn truyền thống của người địa phương, an toàn thực phẩm tại các vùng đồng bào dân tộc được truyền thông như thế nào đến người dân?

TS.BS Mai Văn Mười: Các vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra tại Quảng Nam như kể trên đều xảy ra ở các vùng sâu, vùng xa; tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều phong tục, tập quán truyền thống trong chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

Sở Y tế Quảng Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo đến các địa phương, khuyến cáo người dân không sử dụng món cá muối ủ chua là nguyên nhân gây 2 vụ ngộ độc trên, và cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm đối với những món ăn mang tính truyền thống hoặc tập quán địa phương.

Chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm với nhiều hình thức in ấn các tờ rơi, tờ gấp cấp phát về các địa phương để tuyên tuyền cho người dân; tuyên truyền lưu động; tuyên truyền trực tiếp đến người dân…

- Qua vụ việc này, ngành y tế tỉnh Quảng Nam có giải pháp nào để tìm cách ngăn chặn các ca ngộ độc do botulinum có thể xảy ra?

TS.BS Mai Văn Mười: Ngày hôm qua (18/3/2023), Sở Y tế Quảng Nam đã ban hành Công văn số 524/SYT-NVY để chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Yêu cầu các địa phương khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các món thịt, cá ủ chua.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phải có giải pháp tích cực, thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn vệ sinh cá nhân, ăn chín uống chín, rửa tay với xà phòng, phòng chống ngộ độc rượu và ngộ độc do độc tố tự nhiên, vệ sinh môi trường, triển khai hoạt động tuyên truyền nguyên nhân gây ra ngộ độc do độc tố Clostridium botulinum.

Đồng thời tập trung rà soát, nắm kỹ các lễ, hội ở từng địa phương để hiểu rõ phong tục, tập quán làm cơ sở tuyên truyền để thay đổi hành vi sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam nói gì về vụ ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua?
Theo Báo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast