Hệ lụy sinh con năm Rồng

Quan niệm sinh con vào những năm “vàng” vẫn luôn hiện hữu trong tâm lý những người dân Việt. Và Nhâm Thìn này cũng không ngoại lệ, nhiều người đã chọn “tuổi” cho con mình. Thực tế này không chỉ gây áp lực cho khoa Sản ở các bệnh viện mà còn dự báo nhiều hệ lụy về các vấn đề xã hội sau này.

Chuyện sinh con thứ ba trở lên…

Có lẽ, khoa Sản vẫn luôn là khoa có “không khí” nhất trong Bệnh viện. Niềm vui, tiếng cười luôn hiện hữu khắp khoa, phòng.

Và năm Nhâm Thìn này, cái không khí ấy lại dường như đang được nhân lên gấp bội. Gương mặt rạng người của những người mẹ, người bố; những cái miệng chúm chím của trẻ thơ... Cùng với nhiều câu chuyện kể.

Chuyện về làm cách nào để sinh được con theo ý muốn; chuyện về mong muốn có thêm những đứa con như thế nào... Tất cả đều được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cởi mở, chia sẻ với nhau một cách thân thiện, hồn nhiên.

Bác sỹ Khoa Sản mổ cấp cứu sản phụ
Bác sỹ Khoa Sản mổ cấp cứu sản phụ

Sản phụ Nguyễn Thị Nga, quê ở Phúc Trạch (Hương Khê) nhập viện một mình. Vừa vào giường bệnh chị đã ôm ngực nằm sấp đau đớn. Một người nhà của sản phụ bên cạnh thấy thương tình nên đã sang chăm sóc chị và gọi giúp bác sỹ. Một lát sáu, chị cắt cơn đau, chị lại nhanh chóng trở về khuôn mặt rạng ngời của người mẹ sắp đón đứa con yêu chào đời.

Chị hồn nhiên chia sẻ với mọi người trong phòng: “Vừa rồi đau là do tim. Chồng chị có việc nên lát nữa mới vào được”. Và chị lại kể về gia đình và chuyện sinh em bé. Chị nói: “Năm nay tui đã 40 tuổi. Vợ chồng tui đã có 3 thằng con trai, đứa út đã 12 tuổi. Lâu nay lo lắng làm ăn nhưng bây giờ kinh tế cũng đã ổn định, với lại mấy thằng cu nó cũng đã lớn nên nhà tui quyết định sinh thêm với hy vọng là được đứa bé gái cho... tình cảm. Mà trời cũng đã thương thật, nó là gái. Còn hơn hai tuần nữa mới sinh nhưng hôm trước đi kiểm tra thấy bác sỹ bảo nước ối có dấu hiệu cạn nên tui xuống thằng đây nhập viện cho an toàn”.

Giường cạnh chị Nga cũng là một sản phụ sịnh con thứ 4. Tuy nhiên, có điều trái ngược là 3 đứa con đầu của chị là gái; còn đứa bé vừa sinh lại là một thằng cu. Chị tên là Thủy, quê ở Thịnh Lộc (Lộc Hà). Bà nội và bố của đứa bé ngồi bên cạnh nói rất đỗi tự hào: “Cứ 3 năm hai đứa, cố rồi trời cũng thương thôi. Giờ thì được con ...rồng vàng rồi...”

Giường bên cạnh nữa cũng là một sản phụ khá luống tuổi. Chị là Nguyễn Thị Lan, ở thành phố Hà Tĩnh. Chị Lan cho biết, chị đã có một trai, một gái; đứa lớn đầu đã là sinh viên Đại học y năm thứ 3. Tuy đã có trai, có gái nhưng giờ hai đứa đều đã lớn nên vợ chồng quyết sinh thêm đứa nữa cho vui cửa vui nhà...

Và rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện khác về chuyện sinh con thứ ba trở lên nữa. Và qua nó, tôi rút ra một điều, không chỉ những người sinh con một bề là gái mới khao khát sinh thêm con trai để có người nối dõi tông đường mà tâm lý muốn “có nếp, có tẻ” vẫn là phổ biến nhất. Hơn nữa, tâm lý muốn có nhiều con vẫn đang có xu hướng tăng dần.

Khoa Sản - Thường trực quá tải!

Thời điểm tôi có mặt tại khoa Sản, các buồng bệnh đều được “phủ” kín. Không những thế, các giường bệnh được kê thêm phía ngoài hành lang cũng không còn trống. Sản phụ Nguyễn Thị Thoa, quê ở thị trấn Kỳ Anh vừa sinh em bé ngày hôm qua cho biết: “Hôm nay còn đỡ đấy chị chứ ngày hôm qua bọn em đợi sinh phải hai bà bầu ngồi một giường. Còn thời điểm mà em sinh thì phòng đẻ có 5 bàn đều nằm hết. Mấy người còn nói với nhau, nếu giờ mà có thêm một người vào đẻ nữa thì không biết nằm vào đâu... Một điều lạ nữa là chủ yếu sinh con trai chị ạ, gái ít lắm. Như buồng bệnh này chỉ có bé nhà em là gái thôi”.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thúy – Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: Năm nay tỷ lệ sản phụ tăng rất cao, đặc biệt là mấy tháng gần đây liên tục quá tải. Bệnh nhân ở khoa luôn ở mức bình quân từ 120-140, có những ngày cao điểm lên tới 180 bệnh nhân, trong khi đó giường bệnh theo chỉ tiêu là 55. Để phục vụ bệnh nhân, khoa đã phải kê thêm 104 giường. Cùng với sự quá tải thì bệnh nhân nặng cũng có tỷ lệ khá cao. Như ngày hôm qua, có đến 3 bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển đến. Cũng có ngày phải chỉ định mổ đến 13 ca, trong đó có nhiều ca mổ cấp cứu. Nói chung, rất áp lực nhưng khoa cũng đã rất cố gắng. Trong thời gian qua, các ca bệnh nặng đều được cấp cứu kịp thời, thành công; không có trường hợp tai biến nào xảy ra.

Có nhiều nguyên nhân gây quá tải ở khoa sản, trong đó có hai nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chọn tuổi “vàng” cho con và tỷ lệ vượt tuyến. Về tỷ lệ vượt tuyến, nguyên nhân lại do tỷ lệ tai biến trong những năm gần đây cao khiến người dân lo sợ nên đều chủ động chọn “địa chỉ” có đủ điều kiện hơn để sinh con cho an toàn hơn.

Mặt khác, từ những câu chuyện, con số ở khoa Sản cũng để lại cho chúng ta những suy ngẫm. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đang có xu hướng trở nên phổ biến và sự chênh lệch về giới tính khi tỷ lệ bé trai vẫn đang tiếp tục “áp đảo” bé gái?; sự “hồn nhiên” của người dân về những vấn đề này và những hệ lụy của nó về các vấn đề xã hội sau này?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast