Mở tương lai con trẻ...

(Baohatinh.vn) - Nhiễm HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tích cực triển khai các hoạt động dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con và đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Từ các hoạt động của chương trình, nhiều đứa trẻ được sinh ra đã không còn nhiễm HIV/AIDS.

Điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con:

mo tuong lai con tre

Bác sỹ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tư vấn cho phụ nữ nhiễm HIV về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm tỷ lệ từ 25 - 40%. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%. Hà Tĩnh luôn coi trọng các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Vì vậy, hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con không chỉ tập trung trong tháng cao điểm (tháng 6 hàng năm) mà đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục từ nhiều năm nay.

Để chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả cao, Hà Tĩnh chú trọng các hoạt động truyền thông, quảng bá dịch vụ dự phòng qua nhiều kênh thông tin, truyền thông trực tiếp và gián tiếp… Hằng năm, ngành Y tế đều phát động tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tổ chức và hướng dẫn các địa phương, tại 100% xã, phường và các huyện, thị, thành phố triển khai các hoạt động trọng tâm trong tháng cao điểm cũng như duy trì các hoạt động thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức, sự quan tâm của người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai đối với chương trình. Những trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện sớm đều được tư vấn chăm sóc thai nghén, chế độ dinh dưỡng; được theo dõi, quản lý, chăm sóc từ khi mang thai cho đến khi chuyển dạ và sau sinh.

Bác sỹ Nguyễn Đình Du - phụ trách Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất - Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 18 phụ nữ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con và đã có 22 trẻ sinh ra từ 18 người mẹ nói trên đều âm tính với HIV/AIDS. Có thể nói đó là một kết quả trên cả mong đợi. Tuy nhiên, điều trăn trở là vẫn còn có những phụ nữ mang thai chưa tiếp cận được dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nguyên nhân chủ yếu là do họ thiếu thông tin, thiếu kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS nói chung và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng nên chưa chủ động tìm kiếm dịch vụ.

Bên cạnh đó, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng là rào cản làm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV ngại tiếp cận các dịch vụ hoặc tiếp cận ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến hiệu quả của can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Về khám sàng lọc, phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV cũng vậy, chủ yếu mới triển khai từ tuyến huyện trở lên. Một khó khăn nữa là đối với các phụ nữ mang thai được phát hiện tại các bệnh viện thường tiếp cận với chương trình rất muộn, gây khó khăn trong điều trị dự phòng.

Trong Tháng dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016, ngành Y tế Hà Tĩnh đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho 12 bệnh viện về phòng, chống HIV/AIDS, trong đó, chú trọng thực hiện dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ và dự phòng có thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV; tổ chức xét nghiệm sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV bằng thuốc ARV nhằm làm giảm đến mức thấp nhất tỉ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, để phụ nữ mang thai nhiễm HIV chủ động tiếp cận dịch vụ nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Cục Phòng chống HIV/AIDS khuyến cáo, phụ nữ mang thai biết mình bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và muốn sinh con đều cần được tư vấn và tuân thủ tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế đăng ký càng sớm càng tốt để được điều trị dự phòng kịp thời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast