Mỗi ngày chúng ta hít phải bao nhiêu bụi?!

Đó là câu hỏi nhưng đồng thời cũng là lời than vãn. Nhiều con đường, khu vực trong tỉnh đang chìm ngập trong những cơn bão ... bụi! Bụi đang là nỗi ám ảnh và đang trực tiếp “tấn công” vào sức khoẻ của người dân.

Bão…bụi!

Đã 2 mùa hè, đường 26-3, nối từ chợ thành phố Hà Tĩnh đến trường Đại học, khiến người đi đường ai cũng phải rùng mình. Mỗi lần có một chiếc xe chạy qua, không kể là xe máy hay ô tô, bụi đều ào lên như một trận bão “tấn công” vào người tham gia giao thông. Anh Nguyễn Hữu Đồng, một người đi đường cho biết: “Nhà tôi ở khu vực này nên chúng tôi không thể không đi trên đoạn đường này. Khổ lắm! Bụi dày đặc như khói cháy trong rừng. Mỗi lần đi, có chiếc xe nào chạy qua là mắt phải nhắm lại để “tự vệ”. Nhiều lúc sợ tai nạn không dám nhắm thì mắt lại bị bụi làm cho cay xè, đỏ ngầu và… rất nhặm!”.

Bụi không chỉ “tấn công” vào người đi đường mà còn trực tiếp nhằm vào các nhà dân tại khu vực. Lối 1, lối 2, đến lối 3… bụi đều ào ào theo gió “lấn” vào. Khổ nhất là những hộ gia đình ở lối 1, bụi len lỏi trắng cả những góc khuất trong nhà. Không thể chấp nhận được, nhiều người dân đã phải mua bạt về bọc kín mít toàn bộ mặt tiền phía trước. Chị Nguyễn Thị Giang, một hộ dân cho biết: Không thể diễn tả được bụi ở đây đến mức độ như thế nào. Chị mới lau nhà một thoáng, quay lại bụi đã nhám cả chân. Khiếp lắm! Mùa hè nắng nóng nhưng nhà chị đã phải trùm bạt kín cả phía trước. Ấy vậy mà bụi vẫn không buông tha vì phía sau cũng có một con đường nhỏ đang làm. Nhà, từ trong ra ngoài, lúc nào cùng bàng bạc…bụi!

Nguyên nhân gây bụi với “cấp độ” lớn tại đường 26 -3 là do xây dựng công viên thành phố. Hàng ngày, có hàng chục, hàng trăm chuyến xe tải chạy qua lại trên con đường này để phục vụ công trình. Điều đáng nói là hầu hết các xe tải chở vật liệu đều để vung vải một lượng bùn, đất trên đường rất lớn. Và cứ thế, con đường “dày” lên theo ngày tháng. Đến nay, đã tích tụ đến mức khiến mỗi lần có luồng gió nhẹ hay chỉ một chiếc xe máy chạy qua cũng đã đủ để bụi ùa lên. Người dân cũng đã “kêu” nhiều lên các cấp thẩm quyền nhưng không có ai can thiệp, buộc họ phải tìm cách giảm bớt “bão” bụi bằng cách làm chốt parie trên đường chặn không cho xe trọng tải chạy qua. Tuy nhiên, họ cũng chỉ “canh chừng” được đôi lúc. Còn lại… cả ngày lẫn đêm, xe vẫn làm nên những cơn “bão” bụi liên tiếp.

Đường từ thành phố Hà Tĩnh xuống biển Thạch Hải cũng nằm trong “diện” ám ảnh không kém. Chỉ cần quan sát những hàng cây hai bên đường chúng ta cũng có thể hiểu được “cấp độ” bụi ở mức nào. Toàn bộ màu xanh của cây, lá đã biến thành màu… bụi. Bụi bám dày đặc khắp các thân cây, lá cây. Đặc biệt, tại 3 xã Thạch Khê, Thạch Hải và Thạch Bàn (Thạch Hà), đã nhiều năm nay, bụi “bám rít” người dân. Ông Nguyễn Văn Nam, trú tại xã Thạch Khê bức xúc: “Không biết mỗi ngày chúng tôi phải “hít” bao nhiêu cát, bụi?! Ra đường thì đã đành rồi, về nhà cũng không tránh được. Nói thì mọi người tưởng đùa, có nhiều lúc chúng tôi ngồi ăn cơm mà phải mắc màn để “cản” bụi”.

Quá bức xúc với bụi nên người dân khối phố Tân Yên, phường Văn Yên (TP Hà Tĩnh)

đã tự làm Barie không cho xe chở vật liệu chạy qua

Và còn nhiều con đường khác như đường từ thành phố Hà Tĩnh đi kẻ gỗ, đường đi Hương Khê, đường xuống Lộc Hà… Những con đường đang được “đào bới”, những con đường phục vụ các công trình, xây dựng đô thị hoá, những khu vực đang “khai phá” đều đã, đang và sẽ gây ra những trận “bão” bụi “tấn công” vào người dân.

Tác nhân gây nhiều căn bệnh

Theo các chuyên gia y tế, khói bụi ảnh hưởng toàn diện đến sức khoẻ con người, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là đến hệ hô hấp gây ra tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi, viêm xoang hay viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi tiếp xúc với khói bụi thường xuyên, cơ thể sẽ phản ứng bằng hắt hơi, sổ mũi. Sau đó, tuỳ mức độ “hít” phải, vùng mũi-họng sẽ viêm nhiễm. Đây là những vùng của cơ thể tập trung nhiều dây thần kinh và mạch máu. Người thường xuyên tiếp xúc với bụi có thể mắc bệnh viêm mũi trong vòng 6 tháng. Và khi bị viêm nhiễm, vết thương dễ lây lan (do mũi có cấu trúc là những hang hốc phức tạp nằm ngay dưới họp sọ, gần dây thần kinh và liên quan đến tai, họng). Những trường hợp chảy mũi có màu xanh kèm theo đau nhức là bệnh đã chuyển nặng. Bụi còn gây ra nhiều bệnh viêm nhiễm và dị ứng ở mắt và da như gây ngứa mắt, viêm biếu mô giác mạc, viêm kết mạc mắt… bởi trong bụi ngoài chứa vi khuẩn, vi nấm còn chứa cả chất nhựa dầu từ khói xe thải ra. Thậm chí, bụi còn là tác nhân gây ra các bệnh nặng như viêm màng não, viêm tắc tỉnh mạch xoang trong – các mạch máu to ở phía sau hốc mắt và có thể gây tử vong. Những người đang bị các bệnh mãn tính nếu thường xuyên tiếp xúc với bụi sẽ làm bệnh rất khó chữa.

Ngoài ra, bụi còn “tấn công” vào các thức ăn đường phố, hàng rong…có thể “gieo” các bệnh về đường tiêu hoá như bệnh tiêu chảy cấp, tả, kiết lỵ, giun sán…

Nhiều hộ dân sống gần những con đường "bụi" phải bọc kín nhà như thế này

Như vậy, bụi đang là tác nhân gây ra nhiều bệnh, dịch. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng chống bụi bằng cách nên đeo khẩu trang có chất lượng tốt khi đi đường. Nếu sống ở những nơi nhiều bụi, cần tránh tiếpxúc với bụi như đóng cửa nhà, thường xuyên lau chùi nhà cửa, phun nước ra đường. Đồng thời, nên tăng cường trồng cây xanh xung quanh khu vực sống. Đặc biệt, cần tuân thủ theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế. Hàng ngày, nên vệ sinh mũi 2 lần bằng nước muối sinh lý, nước muối biển. Khi từ ngoài đường trở về nhà cần vệ sinh sạch mũi, miệng. Phải giữ cho môi trường luôn sạch sẽ. Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần đến các cơ sở khám chữa bệnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast