Thay đổi cơ chế tài chính – chiếc chìa khóa cho mô hình bác sĩ gia đình phát triển

(Baohatinh.vn) - Sáng 15/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020.

thay doi co che tai chinh  chiec chia khoa cho mo hinh bac si gia dinh phat trien

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Y tế, mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX. Đến nay, mô hình đã được phát triển rộng rãi không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Canada mà cả ở các nước đang phát triển như Philippines, Malaysia. Đặc biệt, Cu Ba là quốc gia được coi là hình mẫu về phát triển mô hình bác sĩ gia đình ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, năm 1998, Bộ Y tế đã phê duyệt Dự án phát triển đào tạo bác sĩ gia đình tại Việt Nam với sự tài trợ của Qũy CMB (China Medical Board of New York). Dự án triển khai đào tạo chuyên ngành y học gia đình tại các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Thái Nguyên. Đến nay, các trường đã đào tạo được hơn 900 bác sĩ chuyên khoa cấp I, khoảng 1.200 bác sĩ định hướng y học gia đình. Phần lớn các bác sĩ chuyên khoa y học gia đình sau khi tốt nghiệp trở về làm việc ở tuyến y tế cơ sở.

Đến tháng 12/2015, cả nước đã thành lập được 240 phòng khám bác sĩ gia đình tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 234 phòng khám bác sỹ gia đình công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%). Các phòng khám này đã thực hiện thanh toán BHYT. Mặc dù mới thành lập, các phòng khám bác sĩ gia đình đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn theo mô hình của Bộ Y tế quy định.

thay doi co che tai chinh  chiec chia khoa cho mo hinh bac si gia dinh phat trien

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh

Mô hình hoạt động bác sĩ gia đình bước đầu đã khẳng được những lợi ích trong CSSK toàn diện, liên tục cho người dân. Tuy nhiên, đây là mô hình mới nên vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động như: chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, chưa có chức danh bác sĩ gia đình ở các cơ sở y tế, hoạt động còn tản mạn, bất cập, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và hiệu quả chưa cao…

Với mục tiêu chung xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, góp phần giảm quá tải bệnh viện, hội nghị đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp triển khai hiệu quả đề án giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, trong giai đoạn này sẽ hoàn thiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình phù hợp thực tiễn Việt Nam, ưu tiên phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình gắn với trạm y tế. Đến năm 2020, có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Hoạt động CSSK cho nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm, vào cuộc thực chất của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Về triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng điều quan trọng nhất là phải tạo ra được cơ chế tài chính phù hợp, điều này có vai trò tựa chiếc chìa khóa.

Vì vậy, Bộ Y tế cần phải chuẩn bị nội dung để có cuộc làm việc với Bộ Tài chính và BHXH liên quan đến nôi dụng này, đồng thời điều chỉnh lại lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Trên cơ sở kết quả bước đầu thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2015 và căn cứ thực tiễn mạng lưới y tế cơ sở ở nước ta hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27/4/2016 phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2020.

Để triển khai đề án hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị 8 Sở Y tế: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang khẩn trương xây dựng kế hoạch/dự án, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố phê duyệt để có nguồn lực và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Ngoài 8 tỉnh, thành phố nêu trên, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nếu có điều kiện và nhu cầu triển khai phòng khám bác sỹ gia đình thì xây dựng kế hoạch, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và báo cáo Bộ Y tế để tổ chức thực hiện theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast