Trưa 30/8: Quảng Bình thêm 35 ca mắc; có 9 dụng cụ bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Ngành y tế Quảng Bình phát hiện thêm 2 ổ dịch, ghi nhận 35 ca COVID-19 trong cộng đồng; nâng tổng số ca mắc lên 476 người. Bộ Y tế hướng dẫn 9 dụng cụ bảo vệ cá nhân trong phòng, chống COVID-19

Bộ Y tế: 9 dụng cụ bảo vệ cá nhân trong phòng, chống COVID-19

Bộ Y tế ban hành Quyết định hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19 .

Theo đó, các phương tiện phòng hộ cá nhân (PHCN) tối thiểu được lựa chọn và sử dụng trong phòng, chống các tác nhân SARS-CoV-2 gồm:

- Găng tay: Gồm găng tay y tế (găng tay sạch hoặc vô khuẩn) tùy vào mức độ tiếp xúc với F0 hoặc F1, F2… và găng tay vệ sinh.

- Khẩu trang: Khẩu trang y tế thông thường hoặc phòng nhiễm khuẩn và khẩu trang hiệu suất lọc cao (gọi tắt là N95).

- Bộ trang phục phòng hộ cá nhân: Đây là quần áo liền, có mũ hoặc rời hoặc áo choàng chống dịch, dài che kín người; được sản xuất từ vải không dệt, chống thấm, có khả năng bảo vệ chống vi sinh vật xâm nhập theo đường dịch; dễ sử dụng, thoáng mát…

- Tạp dề bán thấm: Vật liệu chống thấm, cột dây hoặc đeo quanh cổ.

- Mũ: Che kín đầu, tóc, tai.

- Ủng bảo hộ: Dài quá bắp chân, dùng vật liệu có thể tái sử dụng.

- Bao giầy: Che phủ bàn chân, bắp chân có dây cố định tránh tuột và bao phủ được ống quần mặc bên trong; là vật liệu bán thấm hoặc chống thấm.

- Tấm che mặt: Che hoàn toàn được hai bên tai và chiều dài khuôn mặt, làm bằng nhựa dẻo, trong; chống mờ do hơi nước; không làm biến dạng hình ảnh, cung cấp tầm nhìn tốt cho người dùng…

- Kính bảo hộ: Gồm gọng cài tai hoặc dây đeo sau đầu, phải trong suốt, ôm hết khuôn mắt hoặc che phủ hết mắt, hai bên thái dương…

Trưa 30/8: Quảng Bình thêm 35 ca mắc; có 9 dụng cụ bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Bộ Y tế hướng dẫn 9 dụng cụ bảo vệ cá nhân trong phòng, chống COVID-19.

Những phương tiện phòng hộ này được sử dụng cho công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh; điều trị F0; theo dõi, chăm sóc F0, F1 tại nhà; các chốt trong khu cách ly; tổ Covid-19; người lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2; người tiêm vắc xin tại cộng đồng…

TP. HCM có hơn 85.000 F0 theo dõi điều trị tại nhà

Trưa 30/8, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà tại TP HCM là 85.298 người, trong đó có 60.581 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 24.717 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.

Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 22.245 người.

TP đã tổ chức hơn 400 trạm y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà.

Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. TP cũng đã triển khai chương trình điều trị thuốc kháng virus có kiểm soát dành cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ, tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho tất cả người dân với tần suất 2 ngày/lần ở khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam”.

Khu vực “vùng xanh” và “vùng vàng” sẽ làm xét nghiệm RT-PCR với mẫu gộp 5 cho “vùng vàng” và mẫu gộp 10 cho “vùng xanh”, tần suất 7 ngày/1 lần. Việc test nhanh tại nhà được thực hiện dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của lực lượng y tế.

Số ca phát hiện mới trong 7 ngày tăng cao, bình quân mỗi ngày phát hiện 4.740 ca nhiễm mới.

Tiền Giang: Từ 0 giờ ngày 31/8 tiếp tục gĩan cách đến hết ngày 15/9

UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn 4914 về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh từ 0 giờ ngày 31/8 đến hết ngày 15/9.

Theo đó, TP Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Châu Thành, huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy, huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16.

Áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15 trên địa bàn huyện Cai Lậy, huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phước và huyện Tân Phú Đông.

Yêu cầu người dân không ra đường từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Đối với TP Mỹ Tho tiếp tục thực hiện phong tỏa các khu vực nguy cơ rất cao theo kế hoạch tầm soát của UBND TP Mỹ Tho để tầm soát diện rộng. Đồng thời, trong thời gian này, số lượng người làm việc tại cơ quan, đơn vị hàng ngày không quá 5 người (trừ Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho).

Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực phong tỏa, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vào lưu trú, làm việc tại cơ quan nhưng phải thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trước khi vào lưu trú, làm việc; đồng thời phải thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương giãn cách xã hội để người dân chia sẻ khó khăn và đồng thuận với chủ trương của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Quảng Bình: Thêm 2 ổ dịch và 35 ca mắc COVID-19

Sáng 30/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 29/8 đến 6 giờ sáng nay), ngành y tế địa phương phát hiện thêm 2 ổ dịch, ghi nhận 35 ca COVID-19 trong cộng đồng; nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 476 người.

Cụ thể, TP Đồng Hới 12 ca (phường Nam Lý 6 người); phường Bắc Lý (1) ; phường Đức Ninh Đông 1; phường Hải Thành (2 người ở ngõ 85 - Trương Pháp); phường Phú Hải (1 người ở 235 Phú Thượng); xã Lộc Ninh (1 ca nhiễm mới).

Huyện Bố Trạch tổng cộng 18 ca: xã Đức Trạch (thôn Nam Đức 5, Trung Đức 1, Bàu Bàng 1); xã Hải Phú (thôn Nội Hòa 2, Trung Hòa 1, Thượng Hòa 2, Nội Hải 1); xã Thanh Trạch (1); xã Sơn Lộc (thôn Sơn Lý 1); xã Đồng Trạch 3 người ở thôn 6; Huyện Quảng Ninh 5 ca: thị trấn Quán Hàu 1, xã biển Hải Ninh 4 người.

Quảng Bình ghi nhận có 2 ổ dịch mới là xã Lộc Ninh (TP Đồng Hới) và xã biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh). Thị xã Ba Đồn đang là “vùng xanh” duy nhất của tỉnh Quảng Bình chưa ghi nhận ca Covid-19 trong cộng đồng.

CDC Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các lực lượng khác tiếp tục khẩn trương điều tra, truy vết những trường hợp F1 và lập danh sách F2 của các bệnh nhân này để theo dõi, giám sát kịp thời.

Tính đến thời điểm này, Quảng Bình có 476 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, 59 trường hợp đã ra viện, 417 trường hợp đang điều trị; chưa có trường hợp nào tử vong.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast