Vào cuộc phòng chống dịch sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đã xuất hiện tại thôn Bình Dương, xã Thạch Hội (Thạch Hà). Đến nay, đã có hơn 30 bệnh nhân mắc bệnh dịch, trong đó có một số bệnh nhân nặng. Hiện, địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch đối phó và dập tắt dịch bệnh.

Vào cuộc phòng chống dịch sốt xuất huyết ảnh 1

Bệnh nhân điều trị và chuyền dịch tại trạm y tế xã

“Chúng tôi sợ…!”

Cuối tuần, nhưng trạm Y tế xã Thạch Hội vẫn tấp nập người vào ra. Đa số họ là người dân của thôn Bình Dương, đến để được điều trị và chuyền dịch vì SXH hoặc để chăm sóc người nhà.

Bà Trần Thị Điển, một bệnh nhân đang ngồi chờ chuyền dịch cho biết: “Bệnh dịch lây khiếp quá! Nhà tôi có tất cả 5 người thì 4 người đã bị. Con trai và con dâu tôi đang nằm chuyền dịch phòng bên kia. Ảnh hưởng sức khoẻ thì không nói rồi nhưng mà tốn tiền lắm. Tính riêng lúc sáng tới giờ, ba cha con, mẹ con đã tiêu gần hết 300 tiền thuốc, dịch. Cứ như thế này, chúng tôi không biết kiếm đâu ra tiền để diều trị”.

Không chỉ bà Điển, hầu hết bệnh nhân SXH tại thôn Bình Dương đều chung một lo lắng. Lo cho sức khoẻ và chi phí điều trị. Anh Nguyễn Văn Biển cũng cho biết: “Nhà tôi có 3 người thì 2 người bị SXH. Mới điều trị có một đợt nhưng đã tốn kém đến tiền triệu. Nói thật, chúng tôi chỉ là những người nông dân, sống phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Vừa rồi, chăn nuôi thêm được con lợn, con gà bán gom tiền để dành nộp sản phẩm, giờ thì…”

Bệnh tật - sức khoẻ - gạo, tiền! Hầu hết những người dân thôn Bình Dương đều đã nhận ra điều này và đang tỏ ra rất lo lắng. Vì vậy, họ đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường và bệnh dịch. Tôi hỏi nhanh một số người dân tại trạm và thôn về kiến thức phòng chống bệnh dịch SXH, hầu hết họ đều nắm cơ bản. Tuy nhiên, biết vẫn chỉ là biết. Theo nhiều người thừa nhận, biết là đang có bệnh dịch đó, nằm ngủ phải bỏ màn để phòng bệnh nhưng…điện thì mất liên tục, trời lại quá nóng nên lúc nào cũng “chui” trong màn thì không thể chịu đựng được.

Vào cuộc phòng chống dịch sốt xuất huyết

Vào cuộc phòng chống dịch sốt xuất huyết ảnh 2

Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh cho các hộ gia đình cận trạm y tế

Ông Nguyễn Văn Tứ - Trạm trưởng trạm Y tế xã Thạch Hội cho biết: Ngay sau khi nghi dịch, chúng tôi đã tiến hành điều tra dịch tễ và khuyến cáo đến người dân. Khi có kết quả xét nghiệm có dịch, chúng tôi đã khẩn cấp tiến hành các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt, chúng tôi đã soạn thảo các nội dung cụ thể về phòng chống dịch SXH liên tục phát trên loa phát thanh của xã và đọc tại các cuộc họp xóm và tham mưu cho UBND xã phát động chiến dịch làm VSMT, diệt bọ gậy trong toàn xã. Riêng thôn Bình Dương, chúng tôi đã phối hợp với TTYTDP huyện tiến hành phun thuốc diệt muỗi và giao cho CTV y tế thôn phối hợp cùng các đoàn thể giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến bệnh nhân. Điều rất đáng quan tâm là tỷ lệ bọ gậy tại thôn rất cao, 46%. Hiện chúng tôi đã cho xử lý môi trường tại vùng dịch. Còn bệnh nhân, chúng tôi chủ trương cho điều trị tại nhà và cử cán bộ y tế xuống chăm sóc, chỉ chuyển lên trạm nhưng bệnh nhân có dấu hiệu nặng, tránh biến chứng xấu.

Đến nay, đã có hơn 30 bệnh nhân mắc SXH, tập trung ở thôn Bình Dương. Bệnh dịch vẫn còn đang tiếp diễn. Ông Nguyễn Văn Tứ - Trạm trưởng trạm Y tế tỏ ra lo lắng: Bây giờ chúng tôi lo nhất là vấn đề thời tiết và điện. Nếu như xuất hiện mưa thì rất nguy hiểm. Về điện cũng vậy, nếu tiếp tục mất điện kéo dài thì người dân sẽ bơm nước dự trữ rất nhiều (vì hầu hết người dân đều dùng giếng bơm). Đây sẽ là những tác nhân nguy hiểm cho bệnh dịch. Điều đáng lo ngại nữa, trạm y tế khá xa trung tâm trong khi các phương tiện cấp cứu rất sơ sài. Hiện, chúng tôi đã chuẩn bị các cơ số thuốc hạ sốt, cấp cứu và dịch chuyền đầy đủ. Đặc biệt, chúng tôi đang tiếp tục giám sát chặt chẽ, nắm rõ tình tình diễn biến của bệnh nhân. Nếu có trường hợp tăng bệnh nhân đột biến, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch phòng chống dịch bổ sung.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast